Ngày 4.4, thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận một bệnh nhân vào cấp cứu do ngộ độc khi ăn nhầm so biển.
Bệnh nhân là anh N.V.T (42 tuổi, trú tại H.Vân Đồn, Quảng Ninh) làm nghề chài lưới. Cách đây ít ngày, anh T. sau khi ăn so biển tại nhà khoảng 1 giờ thấy tê bì môi, lưỡi, đầu ngón chân, tay, nôn mửa kèm khó nói, cảm giác khó thở tăng dần.
Nạn nhân sau đó đến cấp cứu tại Trung tâm y tế H.Vân Đồn trong tình trạng liệt tứ chi, suy hô hấp, bệnh nhân bất ngờ ngừng tim, ngừng thở... Sau đó, người bệnh được đặt ống nội khí quản, duy trì thuốc vận mạch và lập tức chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều trị.
Người bệnh vào Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê sâu, gọi hỏi không trả lời, đồng tử hai bên giãn 5 mm, phản xạ ánh sáng kém, thở hoàn toàn theo nhịp bóp bóng qua ống nội khí quản, mất vận động tứ chi...
Các bác sĩ đã điều trị tích cực theo phác đồ, rửa dạ dày, dùng các thuốc hạn chế hấp thu độc tố (than hoạt tính và sorbitol), thở máy hỗ trợ hô hấp, đảm bảo chức năng tuần hoàn bằng thuốc vận mạnh, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, kiểm soát cân bằng dịch và điện giải, đặt catheter động mạch theo dõi huyết áp động mạch xâm nhập liên tục.
Với sự chăm sóc và theo dõi kỹ lưỡng của các y bác sĩ, bệnh nhân T. đến nay đã tỉnh táo hoàn toàn, mạch huyết áp ổn định, giao tiếp tốt, cơ cực phục hồi, vận động chân tay bình thường, còn choáng nhẹ.
Độc tố so biển tập trung nhiều ở trứng, gan, mật, ruột
Bác sĩ Hà Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Độc tố ở so biển tập trung nhiều ở trứng, gan, mật, ruột. Khi ăn so biển, chất độc Tetrodotoxin sẽ hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện sau ăn khoảng 30 phút đến 1 tiếng, muộn nhất là 6 tiếng, biểu hiện là tê bì môi lưỡi, dị cảm vùng mặt, chóng mặt, nôn thốc, nặng hơn là liệt cơ chân tay, không cử động được, thậm chí có thể gây liệt cơ hô hấp dẫn đến suy hô hấp, ngừng thở, làm rối loạn nhịp tim ảnh hưởng chức năng tuần hoàn, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu, xử trí kịp thời".
Đáng chú ý, hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho loại ngộ độc này. Chính vì vậy, bác sĩ Hà Mạnh Hùng khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức của bản thân, tuyệt đối không dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, không ăn dù chỉ một lần. Khi phát hiện người bị ngộ độc do ăn so biển với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, choáng váng, toàn thân biểu hiện mệt mỏi,… cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.
Bình luận (0)