Reuters dẫn lời Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych ngày 23.4 cho biết lực lượng Nga đã không kích trở lại và tìm cách tiến vào nhà máy thép Azovstal ở Mariupol. Đây là một trong các vị trí chiến lược mà Moscow đang muốn nhanh chóng kiểm soát.
Một góc thành phố cảng Mariupol - nơi đang bị Nga vây hãm |
Reuters |
Tình thế của Ukraine
Liên quan tình hình chiến sự Ukraine, hãng thông tấn TASS dẫn lời thiếu tướng Rustam Minnekaev, quyền Tư lệnh Quân khu Trung tâm (CVO) của Nga, ngày 22.4 tiết lộ nếu kiểm soát được vùng Donbass “sẽ cho phép chúng tôi thiết lập một hành lang mặt đất tới Crimea và giành được ảnh hưởng đối với các cơ sở (quân sự) cực kỳ quan trọng của Ukraine, các cảng Biển Đen, nơi phục vụ việc vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp và luyện kim cho các quốc gia khác”.
Thực tế, nếu kiểm soát được toàn bộ vùng Donbass, Nga không chỉ tạo được hành lang trên đất liền kéo dài đến bán đảo Crimea, mà còn có thể hình thành một thế gọng kìm để trở lại tấn công Kyiv. Từng nhận định khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên, một chuyên gia là cựu sĩ quan tình báo quốc phòng Mỹ dự báo nếu Nga có kiểm soát hoàn toàn Mariupol (nằm trong vùng Donbass - NV) thì sẽ không chỉ hình thành vành đai đến Crimea, mà còn có thể thuận lợi tấn công để kiểm soát Odessa rồi tạo thế gọng kìm nhằm vào Kyiv từ hai trục.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát Mariupol còn là đòn giáng nặng nề vào nền kinh tế của Ukraine. Theo Trung tâm GMK - cơ quan nghiên cứu tư vấn chuyên về khai thác quặng và kim loại có trụ sở tại Kyiv, thì 2 nhà máy thép là Azovstal và Ilyich ở Mariupol chiếm khoảng 40% sản lượng xuất khẩu gang, gần 100% sản lượng xuất khẩu thép tấm và tỷ lệ lớn trong sản lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng sắt thép của Ukraine. Trong khi đó, Ukraine chiếm đến 34% thị trường thép tấm của Liên minh Châu Âu (EU) vào năm 2021. Ngoài ra, việc bị kiểm soát vùng Donbass khiến Kyiv gần như mất phần lớn hệ thống cảng bên bờ biển Azov vốn là cửa ngõ để Ukraine xuất khẩu nhiều nông sản có vai trò then chốt của ngành nông nghiệp.
Cho nên, trong bối cảnh nền kinh tế Ukraine đang bị tổn thương nghiêm trọng - theo Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tháng 4 đưa ra dự báo giảm đến 45,1% trong năm nay, thì nếu mất hoàn toàn quyền kiểm soát vùng Donbass sẽ khiến kinh tế nước này bị ảnh hưởng lâu dài. Chính vì thế, việc phòng thủ ở khu vực này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với Ukraine không chỉ trong cuộc chiến hiện tại mà còn trong tương lai.
Lược đồ diễn biến chiến sự tại Ukraine đến ngày 21.4 |
BBC |
Thành bại trong chiến lược của Nga
Ở phía ngược lại, dù Ukraine đứng trước tình thế khó khăn như trên thì không đồng nghĩa với việc Nga thành công.
Phát biểu vào ngày 24.2 để tuyên bố thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chiến dịch nhằm tương trợ “Cộng hòa nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa nhân dân Luhansk”. Đây vốn là 2 khu vực nằm ở vùng Donbass tuyên bố ly khai - được Moscow công nhận. Ngoài ra, cũng trong bài phát biểu trên, Tổng thống Putin còn đưa ra mục tiêu “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, cũng như đưa ra công lý những kẻ đã phạm nhiều tội ác đẫm máu chống lại dân thường, bao gồm cả công dân của Liên bang Nga”. Trước đó, Moscow chỉ trích chính quyền Kyiv đang theo đuổi các chính sách mang chủ nghĩa phát xít. Nên tuyên bố trên của Tổng thống Putin, dù khẳng định không chiếm đóng Ukraine, nhưng vẫn có thể khiến người khác suy nghĩ đến mục tiêu thay đổi chế độ ở Kyiv, chứ không chỉ phi quân sự hóa Ukraine.
Xem nhanh: Chiến sự Nga-Ukraine ngày thứ 59 có gì? |
Thực tế thì sau 2 tháng chiến sự, từ chỗ tổ chức tấn công quy mô lớn và từng có giai đoạn nỗ lực vây hãm Kyiv cùng nhiều khu vực ở Ukraine, thì Nga giờ đây được cho là đang chuyển sang giai đoạn tập trung tấn công vào khu vực phía nam và vùng đông bắc Ukraine. Trong khi đó, dù đối mặt tình thế khó khăn, nhưng chính quyền Kyiv vẫn không có dấu hiệu lùi bước. Thủ đô Kyiv của Ukraine thời gian qua cũng đã tiếp đón lãnh đạo nhiều nước đến thăm.
Bên cạnh đó, phía Ukraine công bố thông tin từ 7 - 8 tướng lĩnh cùng nhiều sĩ quan chỉ huy cấp cao của Nga đã thiệt mạng trên mặt trận. Kèm theo đó, thông qua truyền thông quốc tế và mạng xã hội, Kyiv cũng thông tin nhiều hình ảnh về khí tài của Nga, bao gồm pháo tự hành, xe tăng, hệ thống phóng tên lửa… bị phía Ukraine phá hủy.
Tổng thư ký LHQ chuẩn bị đến Nga, Ukraine
Tuần sau, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ đến Moscow gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 26.4, theo AFP dẫn thông tin từ LHQ. Điện Kremlin đã xác nhận cuộc gặp.
Sau đó 2 ngày, Tổng thư ký tiếp tục đến Ukraine gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky và Ngoại trưởng Dmytro Kuleba ở Kyiv. Trước đó trong tuần, LHQ gửi thư đề nghị các cuộc gặp trực tiếp với Moscow và Kyiv, trong nỗ lực thúc đẩy sáng kiến tiến tới chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Kể từ khi Tổng thống Putin công bố chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng ngày 24.2, ông Guterres chỉ gọi điện cho tổng thống Ukraine đúng một lần vào ngày 26.3. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Nga không tiếp điện thoại từ ông Guterres.
H.G
Tuy nhiên, ngoài việc công bố số liệu về khí tài đối phương bị phá hủy, Nga rất ít thông tin chính xác thiệt hại của nước này trên chiến trường, cũng không bác bỏ nhiều thông tin liên quan do Ukraine đưa ra. Trong số ít lần hiếm hoi, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Nga đã chịu “tổn thất đáng kể” kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo Đài Sky News ngày 7.4 dẫn lời ông Peskov. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố St.Petersburg ngày 16.4 ra thông báo về lễ tiễn biệt Phó chỉ huy Tập đoàn quân số 8 của Nga, thiếu tướng Vladimir Frolov, tại nghĩa trang Serafimovskoe. Đây cũng là lần hiếm hoi mà phía Moscow thông tin về việc tướng lĩnh gặp bất trắc tại Ukraine.
Ngoài những tổn thất về quân sự, hàng loạt biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga được đánh giá đang gây khó khăn lớn cho nước này. Trong khi giá dầu đang ở mức cao, giới chức Nga đã thông tin sẵn sàng giảm giá cho một số đối tác.
Dường như, hậu quả mà Moscow đang đối diện có thể sẽ còn trong thời gian dài. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nhiều nước thuộc khối NATO đang muốn chiến sự Ukraine kéo dài để làm suy yếu nước Nga, theo CNN đưa tin ngày 20.4.
Chiến sự cực rát ở miền đông và miền nam Ukraine
Hôm qua (23.4), đại tướng Valery Zaluzhny - Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, cho biết lực lượng Nga đã gia tăng các đợt tấn công trên toàn bộ tiền tuyến ở miền đông và tìm cách tung đòn tấn công lớn ở vùng Kharkiv, phía bắc Donbass. Mục tiêu của quân Nga là đẩy lùi các đơn vị Ukraine đang bám trụ tại đây. Trong 24 giờ tính đến hôm qua, lực lượng Ukraine cho biết đã đẩy lùi ít nhất 8 đợt tấn công của quân Nga tại hai khu vực trên, phá hủy 9 xe tăng, 19 đơn vị thiết giáp và 13 phương tiện cơ giới, một xe tải vận chuyển nhiên liệu và 3 hệ thống pháo. Trong bản cập nhật sau đó trên tài khoản Facebook của Tổng tham mưu trưởng Valery Zaluzhny, lực lượng Nga tiếp tục phong tỏa một phần và dội pháo vào Kharkiv. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố bắn hạ một tiêm kích Su-25 và 3 trực thăng MI-8 của không quân Ukraine tại đây, theo Reuters. Ukraine chưa xác nhận về thông tin này.
Bình luận (0)