An toàn bay, những điều chưa biết - Kỳ 5: ‘Vietnam Airlines từng xử lý 10 phi công làm sai quy trình’

09/08/2014 07:00 GMT+7

(TNO) Trao đổi với Thanh Niên Online xung quanh vấn đề đảm bảo an toàn bay , ông Phan Xuân Đức, Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), cho biết trong nhiều năm qua, VNA đã hạ bậc 10 phi công vì làm sai quy trình.

(TNO) Các sự cố hàng không liên tiếp xảy ra trong khoảng một tháng qua đã và đang có những tác động về tâm lý không nhỏ đến hành khách của các hãng hàng không, làm giảm nhu cầu đi lại, du lịch… Thanh Niên Online đã có buổi trao đổi với ông Phan Xuân Đức, Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), về vấn đề đảm bảo an toàn bay. 

>> An toàn bay, những điều chưa biết - Kỳ 4: Làm sao để sống sót?
>> An toàn bay, những điều chưa biết - Kỳ 3: Máy bay bị nguy hiểm, phi công sẽ làm gì?
>> An toàn bay, những điều chưa biết - Kỳ 2: Bên trong căn cứ kiểm soát không lưu
>> An toàn bay, những điều chưa biết - Kỳ 1: 'Cảnh sát giao thông' bầu trời

 
Vấn đề an toàn bay luôn được hành khách và các hãng hàng không Việt Nam quan tâm hàng đầu - Ảnh: Ngọc Thắng

* Trong thời gian qua, xảy ra nhiều sự cố, tâm lý của khách hàng và của tiếp viên cũng lo lắng, VNA làm gì để vừa đảm bảo an toàn bay vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh?

- Ông Phan Xuân Đức: Thực sự đó là một bài toán khó. Đảm bảo an toàn bay thì không phải bây giờ mới đặt ra bởi vì định nghĩa của một hãng hàng không an toàn được Tổ chức Vận tải hàng không (IATA) chấp nhận nghĩa là anh phải có ít nhất 10 năm không có tai nạn. Chúng tôi có 17 năm rồi. Mình phải xây dựng một hệ thống phòng ngừa những nguy cơ có khả năng gây mất an toàn bay như sai quy trình, quá tốc độ, quá vòng lớn…, trong 5 năm trở lại đây, chúng tôi đã hoàn thành được hệ thống đó.

Những gì chưa xảy ra, chúng tôi đã đo đếm được là nó sai phạm quy trình đến đâu, mức độ nào. Còn về sự cố tai nạn, trước đây xảy ra tai nạn sau đó mới tìm cách khắc phục, nhưng ngày nay, VNA đã tiến lên một bước là quản lý cả quy trình, phòng ngừa. Hiện có hàng ngàn quy trình, quy phạm mới để xảy ra một lần sự cố. Nên quản lý được hàng ngàn quy trình đó là vấn đề chính và hiện nay chúng tôi đã quản lý được.

* Thực tế VNA đã xử lý bao nhiêu phi công làm sai quy trình?

- Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã hạ bậc 10 phi công từ lái chính xuống lái phụ vì làm sai quy trình. Chưa có ai gây ra tai nạn nhưng làm sai quy trình thì phải hạ bậc, trừ lương thưởng… So với 5 năm trước đây, mức độ sai quy trình đã giảm đi nhiều lần.

* Ông có thể cho biết mỗi chuyến bay của VNA phải qua các quy trình kiểm tra như thế nào? 

- Thông thường các chuyến bay phục vụ đầy đủ như VNA, thời gian chuẩn bị ngắn nhất là 40 phút. Còn thời gian chuẩn bị cho chuyến bay dài là 90 phút. Khi đó có quy trình của kỹ thuật, kiểm tra trước khi bay. Kiểm tra bên trong, bên ngoài, thử hệ thống sau đó bàn giao cho tổ lái. Tổ lái tiếp nhận và kiểm tra lần nữa cả bên trong và bên ngoài.

Các khâu khác như sắp xếp máy bay, tải… đều có giám sát để đảm bảo quy trình khai thác, không để sai sót xảy ra. Trước đây, việc kiểm tra là ngay tại máy bay nhưng hiện nay, chúng tôi thiết lập hệ thống kiểm tra, điều hành ngay từ tổng hành dinh ở Long Biên (Hà Nội) để ngăn chặn từ xa. 

300 chuyến bay mỗi ngày đều được kiểm tra từ Long Biên, các thông tin về máy bay, tổ lái, thời tiết, diễn biến, nguy cơ khủng bố, đánh bom ở các vùng trên thế giới… đều được tổng công ty phân tích, tổng hợp. Sau đó mới quyết định có thực hiện chuyến bay đó không. Cho thực hiện rồi mới chuyển đến các sân bay. Nói chung, chúng tôi cố gắng kiểm soát chặt chẽ 100% các chuyến bay từ lúc chuẩn bị đến khi kết thúc trên cơ sở triển khai giám sát và thực hiện lịch bay bằng các phương tiện hiện đại.

* Dù có quy trình như vậy, vẫn có những sự cố từ phía các khách hàng (như tự động mở cửa máy bay hay hút thuốc), phải chăng, thiếu biện pháp ngăn ngừa?

- Những hiện tượng, sự cố như vậy có năm nhiều, có năm ít. Năm nay, có 2 vụ hành khách mở cửa, thiệt hại đối với sự cố này đôi khi đến cả 100 triệu đồng. Vấn đề quan trọng hơn là nó ảnh hưởng đến an toàn của các chuyến bay, không thể tính được. Một chuyến bay đang bay mà bị bung cửa thì ít nhất hàng chục hành khách sẽ bay ra khỏi máy bay, chênh áp đến 8 lần trong và ngoài máy bay. Chuyến bay còn có thể mất điều khiển thì cực kỳ nguy hiểm. Cho nên, nhiều hành khách còn chưa hiểu hết những hậu quả như vậy.

Vì vậy, hành khách khi đi máy bay phải nghe hướng dẫn của phi hành đoàn trên chuyến bay.

* Có những sức ép dư luận, cơ quan quản lý đến việc chậm hủy chuyến: thực tế có những hãng chậm hủy chuyến cao, VNA làm thế nào để giữ được, hạn chế thấp hơn nữa tình trạng chậm hủy chuyến nhưng vẫn đảm bảo an toàn bay?

- Dù cố gắng đảm bảo hạn chế chậm, hủy chuyến thì vấn đề an toàn lại không được thỏa hiệp. Mọi chuyến bay đều phải kiểm tra an toàn. Đôi khi vì để đảm bảo an toàn cũng dẫn đến làm chậm chuyến như khi cán bộ, nhân viên kỹ thuật kiểm tra thấy lốp mòn thì đương nhiên phải dừng không cho hành khách lên máy bay, không cho đưa hàng hóa lên máy bay, không cho nạp dầu…, phải dừng lại hết để đảm bảo an toàn. Hay chim va đập, sét đánh cũng phải kiểm tra xem làm móp, méo máy bay, xem ổn không…

* Thống kê hiện nay cho thấy các sự cố hàng không thì bao nhiêu % là do khách quan, bao nhiêu % là do con người gây ra, thưa ông?

- Tỷ lệ sự cố 70% là do con người. Trong đó, con người trực tiếp gây ra: phi công, tổ lái, còn con người gián tiếp là người quản lý. Nếu quá nghiêng về sản xuất kinh doanh mà không chú trọng đến an toàn là vấn đề số 1 thì sẽ ảnh hưởng đến an toàn bay, dẫn đến các sự cố không mong muốn.

* Theo ông, ở Việt Nam, tỷ lệ bay đúng giờ thế nào là hợp lý nhất, thực tế nhất để đảm bảo an toàn bay với một hãng hàng không?

- Kinh nghiệm chúng tôi là đảm bảo bay đúng giờ 90% là hành khách tương đối hài lòng. Điển hình thị trường nội địa có 2 mùa cao điểm; tết thời tiết tốt, năng lực tốt hơn… vẫn đảm bảo 90% đạt được nhưng mùa hè là không tưởng vì lúc này thường có mưa, giông rất lớn.

* Xin cám ơn ông.

“Jetstar Paciffic cũng có thuận lợi là có những đóng góp về quy  trình, kinh nghiệm đảm bảo an toàn của đối tác là hãng Qantas (Úc). Chúng tôi cũng xây dựng một chương trình, một quy trình phòng ngừa rủi ro để bất cứ nguy cơ gây mất an toàn nào cũng được báo cáo ngay. Với bất cứ chuyến bay nào chuẩn bị khởi hành, ở Jetstar, từ tối hôm trước, các kỹ sư, kỹ thuật viên đã kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật kỹ trước khi bàn giao để phi công tiếp tục kiểm tra lại lần nữa trước khi bay. Bất cứ vấn đề nào còn tồn tại cũng phải được xử lý xong mới đưa khách, hàng hóa lên máy bay. Sau một số sự cố hàng không vừa qua ở các nước, quy trình này càng được siết chặt để đảm bảo chắc chắn không có một rủi ro nào xảy ra”, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Hãng hàng không Jetstar Pacific, khẳng định.

Mạnh Quân
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.