Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 5.9, ông Trịnh Hữu Tùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Phú (H.Yên Định, Thanh Hóa), cho biết vụ nổ bóng bay sau lễ khai giảng đã làm 10 học sinh (HS) của trường này bị thương ở vùng tay và mặt.
"Đến chiều 5.9 vẫn còn 9 em đang được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện đa khoa H.Yên Định, 1 em bị nhẹ hơn đã xin về nhà tự chăm sóc. Các em sau khi được chăm sóc tại bệnh viện đã tỉnh táo, không có em nào bị ảnh hưởng đến tính mạng", ông Tùng cho hay.
Cũng theo ông Tùng, nguyên nhân chùm bóng bay phát nổ do khi kết thúc buổi khai giảng, một số phụ huynh (PH) và HS chạy lên khu vực sân khấu để lấy bóng bay. Cùng lúc đó, có 1 thầy giáo của trường vừa hút thuốc lá vừa đi ngang qua, không may chùm bóng chạm vào điếu thuốc phát nổ, gây cháy khiến 10 HS bị thương.
Nhiều năm qua, hàng loạt vụ nổ bóng bay bơm khí hydro phát nổ trong các bữa tiệc, sinh nhật, gây bỏng, khiến nạn nhân phải nhập viện đã được Báo Thanh Niên đưa tin. Trong lần trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên năm 2017, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết hậu quả của bỏng do nổ bóng bay không kém gì với bỏng nước, lửa... "Nguy hiểm nhất là không ai nghĩ rằng bóng bay có thể nổ gây bỏng, nên người ta thường chủ quan", bác sĩ Thống nhấn mạnh.
Nhiều trường còn chủ quan, bất cẩn
"Mọi người còn nhớ năm 2019 không? Năm đó, cô bé Nguyệt Linh (Hà Nội) đã gửi thư cho hơn 40 hiệu trưởng ở Hà Nội với mong muốn không thả bóng bay ngày khai giảng - không thả rác lên trời! Lý do là không chỉ rất lãng phí, nguy hiểm cháy nổ từ khí hydro mà mảnh vỡ bóng bay có khả năng gây tử vong cao nhất và đã giết chết gần 1/5 số chim biển ăn chúng. Cũng năm học 2019 - 2020, nhiều trường ở nhiều tỉnh thành đã lan tỏa thông điệp khai giảng không bóng bay. Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các trường tổ chức lễ khai giảng không bóng bay, sáng tạo, ý nghĩa, bảo vệ môi trường", bạn đọc (BĐ) Nguyen Van Hung nhắc lại và bức xúc: "Vậy mà nhiều trường đã vội quên, dẫn đến năm nay ngay ngày khai giảng có 10 HS bị bỏng, phải nhập viện… vì sự cố nổ bóng bay. Thật đáng trách".
BĐ Tien Hai cũng bức xúc: "Năm nay tôi thấy còn rất nhiều trường sử dụng bóng bay. Cứ nhìn mấy tấm ảnh chụp khai giảng là biết ngay. Những vụ nổ bóng bay báo chí đã phản ánh nhiều lần rồi mà sao các trường học vẫn thờ ơ thế nhỉ? Mong rằng lần này vụ 10 HS phải nhập viện ở Thanh Hóa sẽ là lời cảnh báo nghiêm khắc đến các trường, thầy cô, PH và cả HS nữa".
"Mong là tất cả HS ở Thanh Hóa sớm bình phục. Một cảnh báo giá trị không những cho dịp khai trường mà còn nhiều lễ hội khác hay dùng bóng bay", BĐ Trịnh Cường cũng bày tỏ:
Chung tay giữ an toàn cho học sinh
Nói về nguyên nhân gây nổ bóng bay ở trên, nhiều BĐ thắc mắc: "Sao ở trường mà có giáo viên hút thuốc lá? Giáo viên có được hút thuốc ở trường không?". BĐ Xuan Mai phân tích: "Điều 25 Nghị định 117/2020 của Chính phủ quy định: Hút thuốc lá trong khuôn viên trường học sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng. Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1.7.2020 nghiêm cấm việc hút thuốc trong cơ sở giáo dục. Còn theo luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, trường phổ thông là địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Như vậy, việc một thầy giáo hút thuốc tại trường học là vi phạm luật rồi".
"Tôi nghĩ, việc giữ an toàn cho HS không chỉ là nói không với bong bóng bay, mà còn phải nói không với nhiều thứ nữa. An toàn cho HS phải được đặt lên hàng đầu. Điều này phải được các trường, địa phương quán triệt đầy đủ", BĐ Hoai Huong cho biết.
Cùng ý kiến, BĐ Tiến nói thêm: "Muốn đảm bảo an toàn cho HS, cần có sự chung tay từ nhiều ngành, nhiều người. Trong đó, theo tôi, PH đóng một vai trò lớn. Nếu tất cả PH đều nói không với bóng bay, với đồ ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm, đồ chơi độc hại… và giảng giải cho con cái biết, thì người bán bán cho ai? Không ai mua thì phải dẹp thôi…".
Bình luận (0)