Tai nạn xảy ra ngay trung tâm của thành phố “Đáng sống nhất”, đã bộc lộ những lỗ hổng chết người về quản lý. Thứ nhất, là không nắm rõ số lượng khách đi trên tàu, kể cả chủ phương tiện. Mới đầu, chủ tàu khai là 38, sau đó được cập nhật, tăng dần từ 42 đến 46 rồi 48 và tới chiều qua là 56. Trong khi đáng lẽ phải có danh sách để đóng bảo hiểm.
Thứ hai, tàu chưa có giấy phép hoạt động. Kinh ngạc hơn, tàu từng bị phạt vì bán vé xem pháo hoa nhưng khách không thể lên tàu (tháng 3.2015) và bị chìm nhưng không có thương vong (tháng 7.2014). Được hoán cải từ tàu đánh cá, tàu Thảo Vân 2 có tải trọng 28 người nhưng đã chở gấp đôi. Tàu rất nhỏ nhưng lại có 2 tầng nên càng dễ lật…
Những hồi chuông cảnh báo về tai nạn đường thủy trước đây vẫn nóng hổi và ám ảnh trong tâm tưởng người Việt. Tàu nhà hàng Dìn Ký lật ở Bình Dương vào tháng 5.2011 làm 16 khách thiệt mạng. Tàu kết cấu không hợp lý, hết hạn đăng kiểm, bến tàu không phép, lái tàu là nhân viên tạp vụ... Cano tải trọng 12 nhưng chở 30 người từ Vũng Tàu đi Tiền Giang dự đám cưới, bị lật ở biển Cần Giờ vào tháng 8.2013 làm 9 người thiệt mạng. Lái tàu là nhân viên thử việc, lén lấy tàu chở khách...
Cả 3 tai nạn đều xảy ra vào buổi tối và diễn ra rất nhanh, không ai kịp trở tay. Nếu tất cả hành khách đều mặc áo phao đúng chuẩn thì có thể đã không có tai nạn chết người. Nếu tàu thuyền đảm bảo kỹ thuật và nghiệp vụ quản lý, thì tai nạn có thể đã không xảy ra. Vì các cấp quản lý, chưa làm hết chức trách, nên các “tàu thuyền tử thần” vẫn tiếp tục hoạt động, như những bóng ma lởn vởn, chực chờ. Vì quản lý lỏng lẻo nên những người “điếc không sợ súng” và “tham lam mù quáng” cứ tiếp tục đùa giỡn với sinh mạng du khách, gieo rắc nguy hiểm rình rập.
Tôi nhớ lần đi famtrip ở Brunei cách đây mấy năm. Cano chạy trên sông nhỏ, nhưng thanh tra đường thủy xuống kiểm tra nút áo phao từng khách một. Tháng trước, từ Mộc Bài đi Tây Ninh bằng đường tắt, phải qua phà Bến Đình. Phà nhỏ, mỗi lần chỉ chở xe gắn máy, khách và một xe 16 chỗ trở xuống nhưng tất cả khách buộc phải mặc áo phao. Ai quên thì được nhắc nhở, giải thích và xin lỗi vì sự phiền phức nhưng để đảm bảo an toàn. Quá tuyệt.
Cùng tháng, đi cano từ đảo Bé về Lý Sơn (Quảng Ngãi), ai cũng khiếp vía vì biển động. Nhiều hành khách, có cả cụ già và em bé hoảng hốt cực độ, nhưng không hề được khuyến cáo...
Chuyện đã xảy ra, không thể thay đổi; nhưng hoàn toàn có khả năng không để tái diễn trong tương lai. Không thể vì những tai nạn chủ quan mà tẩy chay hoặc thành kiến với giao thông đường thủy, kênh vận chuyển quan trọng của VN, nhất là khu vực miền Tây. Đặc biệt, du lịch đường sông đang là mũi đột phá của nhiều địa phương.
Về phía nhà nước, cần có ngay quy trình bắt buộc về an toàn đường thủy từ cấp quản lý, chủ phương tiện, lái tàu cho tới hành khách; thực hiện nghiêm túc và xử phạt nghiêm minh. Trước khi xuất bến, chủ phương tiện và lái tàu, ngoài việc tuân thủ quy định an toàn của tàu thuyền, phải hướng dẫn hành khách cách thoát hiểm và mặc áo phao.
Về phía hành khách, trước khi tàu xuất bến, phải mặc áo phao đúng kỹ thuật. Có thể nóng nực một chút nhưng yên tâm. Xin đừng chủ quan. Các tàu thuyền nhỏ, có thể lật úp trong vòng nửa phút. Đến thánh cũng không mặc kịp áo phao. Nếu không đủ áo phao thì kiên quyết không xuống tàu.
Bình luận (0)