Tuyệt đối không 'hành hạ' cơ thể
Bác sĩ Nguyễn Phương cho biết, lưu ý quan trọng với VĐV chạy bộ là phải bù nước. "Tôi không ủng hộ chuyện các VĐV tự thử thách mình bằng cách không uống nước khi chạy. Cơ thể thiếu nước sẽ dẫn đến một loạt rối loạn cơ quan như: mất cân bằng sự điều hòa nhiệt, hạ huyết áp, tăng nhịp tim, rối loạn bài tiết của cơ thể, có thể dẫn đến suy thận. Do đó khi luyện tập thể lực, bù nước trước khi cảm thấy khát là việc cực kỳ quan trọng", bác sĩ Phương chia sẻ.
Lưu ý tiếp theo là bù điện giải. "Khi chạy bộ, ngoài mất nước, chúng ta có thể mất điện giải qua việc tiêu hao năng lượng và mồ hôi. Nếu không kịp thời bổ sung, cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi, bị chuột rút (vọp bẻ) và mất cân bằng điện giải, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến chấn thương hoặc suy tuần hoàn", bác sĩ Phương cho hay.
Không chủ quan, luôn nghĩ mình rất khỏe
Một người bình thường, trong đó tính cả VĐV chuyên nghiệp hay nghiệp dư, cũng phải khám sức khỏe định kỳ, bởi nhiều người còn chủ quan cho rằng mình rất khỏe mà không tầm soát các bệnh nền tiềm ẩn, dẫn đến việc không kiểm soát được và thực hiện các hoạt động thể lực với cường độ quá cao.
"Cần phải khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm với người trẻ và 6 tháng/lần với người từ 50 tuổi trở lên. Nếu có bất kỳ bệnh lý nền về tăng huyết áp, tim mạch, gan, thận, hô hấp nào thì cần được kiểm soát và có chế độ tập luyện phù hợp với cơ thể. Nếu không chúng ta sẽ có thể gặp rủi ro trên đường chạy nếu quá sức", bác sĩ Nguyễn Phương cảnh báo.
Ngoài ra, việc kiểm soát chế độ ăn uống với người chạy bộ cũng quan trọng không kém. "Có rất nhiều chế độ ăn phù hợp với cơ thể của từng người. Lý thuyết về chế độ dinh dưỡng giảm tinh bột, ít ngọt, giảm muối... thì có rất nhiều. Tôi chỉ xin lưu ý một phạm trù nhỏ trong đó là ăn mặn. Nếu duy trì chế độ ăn mặn, đặc biệt là trước những ngày vận động cường độ cao, natri thẩm thấu vào thành mạch làm co mạch dẫn đến huyết áp tăng lên. Bạn không kiểm soát được huyết áp tại thời điểm đó sẽ có thể gặp rất nhiều nguy cơ. Chưa kể nếu bạn có sẵn những bệnh nền, có xơ vữa động mạch, các mảng xơ vữa vỡ ra đi trong lòng mạch, đến đoạn hẹp có thể gây tắc tại chỗ đó, gây đột quỵ tim hoặc não", bác sĩ Phương nói.
Những điều không nên làm
Từng chiến thắng bệnh hiểm nghèo và duy trì chạy bộ thường xuyên, bác sĩ Nguyễn Phương cho biết kinh nghiệm của bản thân khi chơi môn thể thao này là: "Đừng quá cố gắng, nếu thấy mệt, nhịp tim tăng cao thì nên chậm lại và giảm dần cường độ cho đến khi đi bộ. Slogan "Hãy lắng nghe cơ thể của mình" luôn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Khi thấy mệt, thấy hoa mắt chóng mặt, thấy tê đầu chi, thấy khó thở, đau ngực, nặng ngực hay bất kỳ một bất thường nào thì nên dừng lại".
Không nên để bụng đói khi chạy, nhất là các bạn gầy, bởi khi cần lấy năng lượng mà không có bất kỳ sự bổ sung nào từ bên ngoài thì bên trong cơ thể bạn sẽ có cơ chế lấy năng lượng từ mỡ, cơ… khiến bạn có thể chấn thương, suy kiệt, rối loạn thần kinh cơ nếu cố chạy xong rồi mới bổ sung.
"Tôi cũng kịch liệt phản đối việc các bạn đang chạy với cường độ cao mà dùng chai nước đá lạnh dội thẳng lên đầu, lên cổ. Mát hay không thì chưa biết nhưng nguy cơ co mạch tại chỗ đột ngột khiến nguy cơ tử vong có thể xảy ra", bác sĩ Phương lưu ý và mong tất cả mọi người có thể chạy bộ một cách an toàn nhất. Tích lũy đủ, luyện tập đúng và lắng nghe chính mình để không ai phải tiếp nhận bất kỳ một tin buồn nào từ cộng đồng. "Chạy bộ là một cuộc chơi mà ở đó mình sẽ làm chủ nó chứ đừng để nó làm chủ mình", bác sĩ kiêm runner chia sẻ thêm.
Vào mùa nóng, đề phòng sốc nhiệt
Bác sĩ Nguyễn Phương cho biết sốc nhiệt là tình trạng người chơi thể thao nói chung và VĐV chạy bộ nói riêng hay gặp khi hoạt động thể thao ngoài môi trường nắng nóng hoặc cơ thể sinh nhiệt lúc gắng sức. Cách xử trí là hạ nhiệt bằng cách làm mát ngay lập tức, đề phòng biến chứng và liên hệ y tế hỗ trợ.
Để tránh sốc nhiệt, cần phòng ngừa như tập luyện thích nghi dần với nắng nóng; uống đủ nước và muối, mặc quần áo rộng, nhẹ, thoáng; lưu ý nhịp tim trong lúc chạy, nếu thấy bất kỳ biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mệt, khó thở, buồn nôn thì cần giảm tốc độ và đi bộ dần, nghỉ ngơi nơi có bóng râm, bổ sung nước cho đến khi hồi phục.
Bình luận (0)