Ấn tượng áo dài: Cuộc thi hoa hậu áo dài đầu tiên

11/03/2017 07:00 GMT+7

Bà Nguyễn Thế Thanh, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Áo dài đầu tiên diễn ra năm 1989, cùng các nhà thiết kế khẳng định cuộc thi năm ấy đã đưa phong trào mặc áo dài trở lại trong đời sống người dân TP.HCM và cả nước.

Thi nhan sắc để giữ bản sắc áo dài dân tộc
Bà Thanh (nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM) kể lại: “Từ sau năm 1975, do tình hình kinh tế khó khăn nên việc mặc áo dài thưa dần. Các viên chức còn sửa áo dài thành áo ngắn để mặc cho tiện lợi. Học sinh thời điểm đó cũng hiếm khi mặc áo dài. Chỉ từ năm 1985, khi cuộc sống đổi mới hơn, kinh tế đi lên thì việc mặc áo dài mới dần được nhen nhóm lại. Đứng trước tình hình cần cổ vũ việc mặc áo dài, đồng thời phải bảo tồn bản sắc của áo dài VN, chúng tôi đã nghĩ đến việc tổ chức một cuộc thi nhan sắc gắn với văn hóa dân tộc. Thế là cuộc thi Hoa hậu Áo dài đầu tiên của TP.HCM, cũng là đầu tiên tại VN, ra đời vào tháng 3.1989. Cuộc thi đã thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng và báo giới. Cả báo nước ngoài cũng viết về Hoa hậu Áo dài Kiều Khanh và việc dân công sở TP.HCM đã mặc áo dài trở lại. Thời điểm đó xuất hiện các nhà thiết kế áo dài như Sĩ Hoàng, Liên Hương… Họ mạnh dạn thiết kế những kiểu dáng áo dài mới”. Cũng theo bà Thế Thanh và nhà thiết kế Liên Hương, từ sau cuộc thi Hoa hậu Áo dài 1989, từ năm 1990 ở một số nước như Mỹ, Pháp, các cuộc thi hoa hậu áo dài của cộng đồng người Việt đã diễn ra. Các cuộc thi chọn áo dài gần như trang phục trình diễn bắt buộc.
Cũng chính từ cuộc thi này, Một thoáng quê hương (nhạc sĩ Từ Huy), một trong những ca khúc hay nhất ca ngợi vẻ đẹp của tà áo dài VN, đã ra đời. Sau này, cứ chương trình hay cuộc thi nào có áo dài người ta lại nghe vang lên “…Tà áo em... bay bay bay bay trong gió nhẹ nhàng”. Anh Tạ Nguyên Phúc (con trai cố nhạc sĩ Từ Huy) cho biết: “Ba tôi viết bài này cho cuộc thi Hoa hậu Áo dài 1989. Nhạc sĩ Thanh Tùng viết phần điệp khúc. Lúc đó ba tôi là họa sĩ trình bày của Báo Phụ nữ TP.HCM, đơn vị tổ chức cuộc thi”.
Nhà thiết kế Liên Hương cũng khẳng định chính cuộc thi Hoa hậu Áo dài đầu tiên ấy đã làm “hồi sinh” áo dài. Từ sau cuộc thi, không chỉ ở công sở mà cả sinh viên, học sinh cũng bắt đầu mặc áo dài trở lại. Những tiệm may áo dài mọc lên khắp nơi. “Tôi nhớ từ sau cuộc thi năm 1989 trở đi, các cuộc thi sắc đẹp sau đó đều có phần trình diễn áo dài. Các chương trình nghệ thuật lớn như Duyên dáng Việt Nam (của Báo Thanh Niên) luôn có tiết mục thời trang áo dài. Chiếc áo dần đi vào đời sống, xã hội một cách hiển nhiên sau đó. Quý bà, quý cô khi công tác ngoại giao hay lễ lạc, cưới hỏi đều mặc áo dài. Áo dài ngày đó được thiết kế nhẹ nhàng, tinh tế... Có nhiều trường trung học học sinh bắt đầu mặc áo dài đồng phục”.
Áo dài Liên Hương đầu thập niên 1990 Ảnh: T.L
Chiếc áo dài may mắn
Sau khi cô thợ cắt tóc Kiều Khanh đoạt vương miện Hoa hậu Áo dài, hình ảnh cô trong tà áo dài đã tràn ngập các báo, tạp chí thời đó. 100.000 postcard in ảnh Kiều Khanh do NXB Văn hóa dân tộc phát hành nhanh chóng bán hết sạch. Kiểu dáng những chiếc áo dài mà Kiều Khanh mặc hay chụp ảnh sau đó được rất nhiều cô gái may theo.
Từ Mỹ, Hoa hậu Áo dài Kiều Khanh chia sẻ: “Mẹ tôi chính là người đã may áo dài để chị em chúng tôi mặc đi lễ nhà thờ hay vào lễ Giáng sinh, năm mới. Đặc biệt mùng một tết chắc chắn chúng tôi phải mặc áo dài. Áo dài ngày xưa rất đơn giản, cổ nhỏ, tà áo ngắn, quần không loe lắm”. Về những chiếc áo dài mặc trong cuộc thi, Kiều Khanh kể: “Lúc được bạn bè “xúi” đi thi hoa hậu, “con bé” Khanh đang đi học làm tóc, có mái tóc ngắn demi-garcon. Tôi đã mặc áo dài “bính” của chị gái mình đi thi chứ không phải của mẹ may cho. Sau khi vô vòng chung kết 1 (cuộc thi có 2 đêm chung kết) tôi đã được em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu - NV) cho mượn chiếc áo dài để mặc. Sau đó bố tôi mới đưa tới nhà may Thiết Lập may một chiếc áo dài vàng đi thi đêm chung kết 2. Tôi đã đăng quang với chiếc dài màu vàng may mắn ấy”.
Hoa hậu Áo dài lần 2
Sau thành công lần đầu, Báo Phụ nữ TP.HCM tiếp tục tổ chức cuộc thi Hoa hậu Áo dài lần 2 năm 1995. “Sau cuộc thi đó, tôi rời khỏi Báo Phụ nữ TP.HCM nên tiếc rằng đã không thể tiếp tục tổ chức cuộc thi này”, bà Nguyễn Thế Thanh nói. Đàm Lưu Ly, cô gái đăng quang cuộc thi năm đó, cho biết đến giờ cô vẫn trân trọng gìn giữ chiếc áo dài màu xanh có hình ảnh trống đồng, chim hạc do nhà thiết kế Liên Hương tặng, đã góp phần giúp cô chiến thắng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.