Trưng bày hơn 70 tác phẩm hội họa, Chơi được giới chuyên môn đánh giá là một sự kiện nghệ thuật đa sắc cho dịp trung thu năm nay.
Triển lãm giống như một lễ hội đêm rằm rực rỡ sắc màu với các tác phẩm được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, bột màu, acrylic, điêu khắc gỗ..., tái hiện hình ảnh trẻ con chơi đùa trong đêm trăng với những trò rước đèn, múa rồng, múa sư tử tuyệt đẹp.
Hình ảnh cá chép trong đôi lông mày của đầu lân, của đèn cá đều là ước muốn của người lớn về sự tốt lành cho trẻ nhỏ khởi từ ý lưỡng ngư vọng nguyệt, hoặc cá chép vượt vũ môn. Hình ảnh những vị tiến sĩ bằng giấy màu là mong muốn cho trẻ nhỏ học giỏi, thi cử đỗ đạt…
Đến với triển lãm Chơi, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm độc đáo đến từ nhóm họa sĩ G39 gồm 13 nghệ sĩ: Vương Linh, Lê Thị Minh Tâm, Lê Thư Hương, Hoàng Phương Liên, Lê Minh Trí, Nguyễn Quốc Thắng, Lê Ngọc Thuận, Phạm Trần Quân, Doãn Hoàng Lâm, Lê Thiết Cương, Chu Hồng Tiến, Tào Linh, Đào Trọng Lưu.
Kể từ sự kiện lần đầu tiên trưng bày tranh về trung thu năm 2016, đến nay, nhóm họa sĩ G39 đã cùng nhau tổ chức triển lãm lần thứ 8 về trung thu.
Tại triển lãm lần này, những người yêu hội họa sẽ được chiêm ngưỡng series Rằm trung thu ở làng của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng. Với chất liệu sở trường bột màu trên giấy dó và giấy báo cũ, làng Cự Đà (Hà Nội) nơi anh sống chưa bao giờ lung linh như thế, tươi như thế. Vẫn là rước đèn, múa lân nhưng bằng một bảng màu gần như không pha, tương phản mạnh nên trung thu tại làng Cự Đà đã trở thành một lễ hội màu.
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, Chơi cũng là concept của triển lãm lần này. Tết Trung thu không chỉ là tết của trẻ con mà còn là tết đoàn viên - tết của bạn bè, gia đình quây quần, sum vầy gặp gỡ, trao nhận yêu thương. "Có người lớn nào mà đã không từng là trẻ con? Một người lớn đúng nghĩa thì bao giờ cũng có một phần, một góc trẻ con trong mình", họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.
Chơi ngoài đề tài trung thu còn một mảng đề tài nữa là trò chơi dân gian, những trò chơi truyền thống mà trẻ em đang ngày càng quên lãng. Kéo cưa lừa xẻ, trồng nụ trồng hoa, thả diều, nhảy dây..., nếu mất đi thì không chỉ là mất những trò chơi đó mà hiểu rộng ra là mất ký ức, mất tuổi thơ, mất đi nét truyền thống.
"Thay đổi và hiện đại là đương nhiên, nhưng không đồng nghĩa với việc đánh mất bản sắc truyền thống. Tồn tại trong những trò chơi đó còn là nét đẹp văn hóa và dân tộc Việt Nam phải giữ gìn văn hóa đó", họa sĩ Lê Thiết Cương nhấn mạnh.
Bình luận (0)