(iHay) “Làng Nhum” là tên gọi khác của làng Châu Me, xã Phổ Châu (H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) do du khách đặt vì đây là nơi sản sinh các món nhum nổi tiếng.
Sơ chế nhum
|
Khách về biển Châu Me, thấy ghi trên menu các món ăn có tên “nhum” là gọi… đại bởi vì lạ, ăn cho biết (và sau “biết” là ghiền). Thật ra, đó là những con nhum được đánh bắt từ những ngày hè gay gắt vừa mới đi qua. Chúng được cấp đông kỹ càng trong tủ lạnh nên vẫn còn vẹn nguyên hương vị. Và nghe chừng cái nắng, cái gió của tháng tư, tháng năm cũng còn phảng phất trên từng sớ thịt nhum.
Con nhum mình tròn, vỏ cứng như vỏ ốc, có gai nhọn và dài tua tủa quanh thân nên còn được gọi là nhím biển. Quê hương của nhum là những rặng đá ngầm cách bờ khoảng nửa hải lý, nơi quần tụ các loài rong là thức ăn của nhum. Những người khai thác nhum ở xã bãi ngang Phổ Châu cho biết họ lặn xuống khu vực có nhum, lặng lẽ tiếp cận, vừa bập móc sắt vào thân nhum vừa giật mạnh. Con nhum không kịp… trở tay nên bị dính ngay vào móc. Nếu động tác giật hơi chậm, không đồng thời với động tác bập, con nhum phản ứng tự vệ, bám riết trên đá. Dù bộ “áo giáp” của chúng đã bể nhưng đố ai mà gỡ cho ra.
|
|
Khi nhum được đưa vào bờ, những “người Việt ăn kiểu Nhật” tranh mua, bổ đôi con nhum, gạt bỏ tạp chất, cho chanh, muối, bột ngọt và mù tạt vào khuấy đều rồi ăn sống ngay tại bãi. Họ nói ăn vậy mới “đỉnh”. Vào dạ dày, thịt nhum “đi” trực tiếp vào huyết quản, bổ vô cùng.
Có thể xào hoặc trộn thịt nhum với trứng vịt chưng mặn để ăn cơm. Nhiều gia đình nghỉ mát gọi hai món này cho bữa tối, bọn trẻ ăn không kịp xúc cơm. Còn người lớn thì kêu bia lia chia vì "mấy món này ngon quá".
Cũng có thể um thịt nhum với bắp chuối chát và cây chuối non… Đây là một “biến tấu” của nhum, được ghi nhận là tạo mùi hương đồng nội nhẹ nhàng bên cạnh mùi hương biển đậm đà.
Nhum trộn hàu rồi đổ chả lại là món khoái khẩu khác. Món này, thịt nhum bao bọc con hàu. Khi nhai, nghe cái bụp, thấy beo béo là biết con hàu đã vỡ ra. Lúc đó, nhum cũng “lên tiếng” bằng cái ngòn ngọt, thơm thơm mùi rong non nghe đã lắm.
|
Để tận hưởng vị mặn ngọt bùi béo thì gọi một tô mắm nhum ăn với bún tươi và một ít thịt ba chỉ với vài loại rau sống. Món này “trơn” cổ lắm, chỉ nên ăn một chén thôi, còn để bụng lai rai vài “thể loại” nhum khác nữa.
Bên cạnh những món vừa kể, giới lai rai còn “truyền tụng” rằng tới “làng nhum” chơi mà ra về trong bụng không có chút cháo nhum thì coi như chưa tới. Hương vị của món này rất đặt biệt, không thể lẫn với bất cứ món hải sản nào, bởi nếu lắng nghe, người ăn có thể nhận ra vị ngọt thanh của ốc, của sò điệp, vị ngọt dịu của tôm, cua phảng phất hương biển tanh nồng. Một bát cháo nhum “chuẩn làng nhum” phải được ăn cùng với cải cay xắt nhỏ. Thịt nhum hòa vào gạo nấu nhuyễn tan trên đầu lưỡi nhưng đọng rất lâu trong “hồn” ẩm thực sau một lần thưởng thức cháo nhum.
Một ông khách vui tính ca ngợi rằng húp vài chén cháo nhum trong và sau chầu nhậu thấy nhẹ cái đầu, chất cồn trong bia rượu len lén tan đâu mất. Rồi ông ta cười khà khà, dí dỏm nói giờ bàn mình “làm” lại từ đầu đi, chớ về nhà mà tỉnh queo như vầy, vợ ngạc nhiên hỏi “bữa nay anh chỉ ăn thôi hả” thì… kỳ lắm.
Bình luận (0)