Hoàng Lan, nữ họa sĩ tốt nghiệp cả Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam lẫn Học viện Múa Việt Nam, vừa khai mạc triển lãm cá nhân có tên Ấn tượng tại nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Ấn tượng sẽ kéo dài tới ngày 22.12 với các tác phẩm hội họa trừu tượng.
Họa sĩ Hoàng Lan cho biết, những tác phẩm trong triển lãm Ấn tượng này hầu hết đều được cô vẽ trong đêm, vẽ xuyên đêm sau cả ngày với rất nhiều công việc. Đó là việc đưa đón con đi học, việc dạy năng khiếu cho trẻ, đặc biệt là trẻ em tự kỷ. Cũng có những khi, chị vẽ ký họa khi đang dạy trẻ học, vẽ khi con gái mình đang tập múa.
"Tôi thích vẽ con gái mình và những đứa trẻ đang múa. Đó là hình ảnh vô cùng thân thương, gần gũi, đặt bút là ra đường nét, sắc màu", Hoàng Lan nói.
Ấn tượng là triển lãm đầu tiên của Hoàng Lan. Nó cũng đánh dấu 20 năm kể từ khi chị đỗ và bắt đầu học tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Chính vì thế, Hoàng Lan chọn giới thiệu tới công chúng 20 bức tranh chất liệu acrylic trên toan, có bức khổ lớn tới 2 m.
Tranh trong triển lãm Ấn tượng của Hoàng Lan có những tông màu dịu nhẹ, tạo cảm giác xốp và nâng đỡ. Nó cũng thoáng buồn và gợi ưu tư về quá khứ. Nữ họa sĩ cho biết, đó là ảnh hưởng của việc chị luôn nhớ về ngôi nhà nhỏ trong khu tập thể ở Nguyễn Công Trứ, nơi chị sống từ bé đến tận năm 27 tuổi.
"Tôi thường nhìn ngắm mùa đông, mái ngói cũ như một đứa trẻ. Một đứa trẻ ít được nô đùa thỏa thích như bạn bè trang lứa, liệng chiếc máy bay giấy xuống mặt sân ẩn giấu bao mong chờ, thắc thỏm...", Hoàng Lan tâm sự.
Những hình ảnh quá khứ đó cũng để lại dấu ấn trong tranh Hoàng Lan. Thậm chí, Hoàng Lan khó lòng dứt khỏi niềm ưu tư, ám ảnh về quá khứ. Chị tự nhận, điều này chị giống bố chị - một nghệ sĩ, một người lính ở chiến trường Quảng Trị năm nào.
"Thế hệ 7X như tôi cũng đặc biệt nhớ nhiều, dễ nhớ về ký ức vì khi đó thế giới chưa trở thành thế giới phẳng, lắm thông tin như bây giờ", Hoàng Lan tâm sự.
Quá khứ, trong tranh Hoàng Lan, là những mảng màu cảm giác vuông vắn, xếp khít nhau như những viên gạch. "Tôi nhớ chính hình ảnh mình và em gái thuở ấy, hai tay xách 2 xô nước, xếp từng viên gạch lấy chỗ hứng nước, mua gạo…", Hoàng Lan nói về ký ức thời bao cấp và sáng tác của mình.
Điều lạ lùng nhất là tranh của Hoàng Lan ở Ấn tượng không tạo cảm giác về kỷ luật, về một tinh thần thép của tác giả. Những bức tranh đều tạo cảm giác nhẹ nhàng, tuy hơi buồn và nhiều hoài niệm nhưng tích cực, nhẹ nhõm. Trong khi, công việc dạy trẻ, đặc biệt là trẻ tự kỷ của cô đòi hỏi một "tinh thần thép" cũng như sự kiên nhẫn vô bờ.
Hoàng Lan cho biết: "Tôi không láu lỉnh đâu, thậm chí hay bị nói là trầm tính. Đến khi học múa, điều đó đòi hỏi bản lĩnh sân khấu lớn, luôn phải cố gắng, nỗ lực mới có thể trở thành solist. Khi học vẽ, tôi cũng thế. Vì thế, khi gặp các bạn tự kỷ, tôi không mệt mỏi gì vì luôn hiểu các bạn ấy nỗ lực thế nào. Chúng tôi giống nhau, luôn cố gắng vươn lên một cách nhẹ nhàng. Môi trường trẻ con cũng cho mình sự thư thái vì đồng cảm, nên không cần phải ép mình để làm việc với các con. Mảng màu của mình cũng vậy".
Bình luận (0)