Ăn uống tốt để khỏe mạnh

04/01/2016 05:12 GMT+7

Thói quen ăn uống hằng ngày của bạn đã hợp lý chưa? Hãy cùng làm bài trắc nghiệm với bác sĩ CK 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM.

Thói quen ăn uống hằng ngày của bạn đã hợp lý chưa? Hãy cùng làm bài trắc nghiệm với bác sĩ CK 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM.

Ảnh: ShutterstockẢnh: Shutterstock
Bạn ăn sáng như thế nào ?
Nhịn ăn sáng: Sai. Ăn sáng sẽ cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cho cơ thể hoạt động hiệu quả. Sau bữa ăn tối, cơ thể có một khoảng thời gian từ 8 - 10 giờ không được cung cấp năng lượng khiến lượng đường trong máu giảm thấp. Bộ não và các tế bào trong cơ thể muốn hoạt động tốt cần được cung cấp đầy đủ và liên tục năng lượng, đường glucose, vì vậy bữa ăn sáng rất cần thiết để nạp năng lượng cho một ngày học tập, làm việc mới. Nếu không ăn sáng, chúng ta sẽ mệt mỏi, khó tập trung suy nghĩ và các hoạt động thể lực cũng kém hiệu quả.
Ăn vừa đủ no: Đúng. Nếu ăn quá no, hệ tiêu hóa sẽ làm việc nhiều hơn để chuyển hóa thức ăn, nên từ đó sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác như hệ thần kinh. Ăn sáng quá no còn có thể gây thừa cân, ảnh hưởng đến bữa trưa.
Chỉ ăn trái cây hoặc bánh quy: Sai. Bởi nếu chỉ ăn như vậy, bạn sẽ không nạp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là chất bột đường chuyển hóa chậm để cung cấp năng lượng cho não hoạt động lâu dài.
Bữa ăn chính kéo dài trong bao lâu ?
Khoảng 30 phút: Đúng. Đây là khoảng thời gian hoàn toàn hợp lý cho một bữa ăn vì vừa đủ giúp răng nhai, nghiền nát và tiêu hóa thức ăn diễn ra hiệu quả.
Khoảng 15 phút: Sai. Lý do ăn quá nhanh thường khiến lượng đường huyết tăng nhanh sau khi ăn. Hơn nữa, ăn với khoảng thời gian quá ngắn, thức ăn chưa được nhai kỹ đã chuyển xuống dạ dày khiến cơ quan này phải hoạt động nhiều, gây quá tải cho hệ tiêu hóa.
Khoảng 1 tiếng mới xong: Sai. Ăn quá chậm sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa cũng như các bữa ăn sau đó.
Khi nào mới ăn ?
Cảm thấy thật đói: Sai. Khi cơ thể quá đói, đường huyết giảm dễ dẫn đến xu hướng ăn nhanh, nhiều, mất cân bằng dinh dưỡng, gây quá tải cho dạ dày, ruột.
Ăn theo cảm xúc: Sai. Ăn uống theo cảm xúc thường không kiểm soát được lượng thức ăn nên có thể dẫn đến tình trạng ăn quá ít, hoặc ăn quá nhiều, hoặc ăn không điều độ... đều không có lợi cho sức khỏe.
Ăn vào giờ cố định: Đúng. Ăn uống theo giờ giấc nhất định giúp đường huyết luôn ổn định theo sinh lý, cơ thể luôn được cung cấp đủ năng lượng.
Bạn làm gì trong khi ăn ?
Vừa ăn vừa xem ti vi, chơi game hoặc đọc sách: Sai. Làm những việc này song song với bữa ăn sẽ khiến hệ tiêu hóa tiết không đủ men để tiêu hóa thức ăn, không tốt cho cơ thể.
Chỉ tập trung ăn: Đúng. Tập trung trong khi ăn sẽ giúp kiểm soát tốt lượng thức ăn đưa vào cơ thể cũng như giúp việc hấp thụ và tiêu hóa thức ăn diễn ra tốt hơn.
Vừa ăn vừa làm việc: Sai. Khi ăn nên tập trung ăn, nếu vừa ăn vừa làm việc cũng sẽ khiến hệ tiêu hóa tiết không đủ các men tiêu hóa, từ đó có thể dẫn đến đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa.
Ăn tối cách giờ đi ngủ bao lâu ?
1 - 2 giờ: Sai. Ăn sát giờ ngủ dễ dẫn tới thừa cân, béo phì do năng lượng ăn vào không được sử dụng.
4 giờ: Đúng. Đây là mốc thời gian chuẩn, thức ăn sẽ được tiêu hóa tốt, cơ thể đã tiêu hao bớt năng lượng thừa.
6 giờ: Sai. Ăn vào thời điểm này có thể dẫn đến thiếu năng lượng, gây đói, ảnh hưởng đến giấc ngủ, nếu không có thêm bữa ăn phụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.