Các bệnh về gan được cảnh báo là 'kẻ giết người thầm lặng' với những triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, thiếu máu, vàng da hoặc sưng phồng ở chân... Do đó, cần hành động để bảo vệ gan trước khi quá muộn.
Ảnh: Shutterstock |
Ăn trái cây, rau củ. Theo tiến sĩ Rupali Datta, chuyên gia dinh dưỡng tại Viện Tim Fortis Escorts (Ấn Độ), bạn nên bổ sung rau củ, trái cây vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày vì chúng chứa nhiều dưỡng chất giúp giải độc gan.
Uống nước. Chức năng chính của gan là loại bỏ hóa chất độc hại vào cơ thể qua thực phẩm, nước và không khí. Nước góp phần giải độc cơ thể. Do đó, bạn nên uống ít nhất 8 - 10 ly nước mỗi ngày để thúc đẩy tiến trình thanh lọc cơ thể.
Lợi khuẩn probiotic. Nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan mật thiết giữa gan nhiễm mỡ và rối loạn chức năng đường ruột. Probiotic trong sữa chua có thể giúp ổn định đường ruột và tống độc tố khỏi cơ thể cũng như đảm bảo máu lưu thông tốt.
Vitamin C và B. Vitamin C trong cam, quýt, bưởi... mang đặc tính chữa bệnh và củng cố hệ miễn dịch. Vitamin B có nhiều trong khoai tây, chuối, ớt đỏ hỗ trợ chức năng gan hoạt động suôn sẻ.
Bổ sung chất đạm từ thịt cá để giúp tái tạo tế bào gan khỏe mạnh, trong khi chất xơ và khoáng chất có trong rau củ quả giúp tạo lá chắn bảo vệ gan trước hóa chất độc hại.
Nói không với chất cồn. Tiến sĩ Ajay Kuma, Giám đốc Viện Gan Fortis Escorts (Ấn Độ), cho biết uống rượu đem lại nhiều rủi ro cho sức khỏe. Ngoài ra, không uống khi bụng đói vì tạo sức ép lên gan, khiến gan phải làm việc quá sức để xử lý lượng chất cồn.
Giảm cân. Béo phì là một trong những lý do chính gây rối loạn chức năng gan. Bước đầu tiên bảo vệ gan là giảm cân. Tập thể dục thường xuyên giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, cải thiện chức năng của các enzyme trong gan.
Bình luận (0)