Anh chàng không chân khởi nghiệp

10/04/2017 10:12 GMT+7

Không có đôi chân nhưng anh vẫn vươn lên để trở thành vận động viên bơi lội. Không có đôi chân, anh vẫn khởi nghiệp thành công từ sản phẩm sạch thân thiện với môi trường...

Câu chuyện về cuộc đời của chàng trai Nguyễn Văn Chung (33 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội), người đã mất cả đôi chân nhưng vẫn không bi lụy, không buông xuôi mà tự gắn cho mình một đôi chân mới, đôi chân của ý chí và lòng quyết tâm để tiếp tục vững bước trên đường đời, đã lấy đi nhiều nước mắt cũng như lòng cảm phục của rất nhiều người.
Ngã ở đâu đứng lên ở đấy
Chung sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 6 anh chị em, trong đó cậu là con út. Năm lớp 9, trên đường đi làm ruộng phụ mẹ về, đến trạm bơm nước của xã, một người trông trạm bơm ở đây đã nhờ Chung lặn vớt cái xô và cái cờ lê bị rớt sâu dưới lòng hồ. Nhưng không may, khi Chung lặn xuống thì bị máy bơm nước vặn đứt hai chân. Ước mơ học hết lớp 12 rồi đi học nghề kiếm tiền lo cho mẹ của chàng trai trẻ đã phải dừng lại từ đấy.
“Suốt quãng thời gian sau đó mình dường như muốn buông xuôi tất cả, thậm chí còn nghĩ đến cái chết. Nhưng mỗi ngày đi làm đồng về mẹ lại ôm mình rồi khóc. Thấy mình thật vô dụng, 18 tuổi chưa làm được gì cho mẹ mà giờ còn trở thành gánh nặng của mẹ. Từ đấy mình không muốn mẹ phải buồn và khóc vì mình nữa nên quyết định vượt qua. Mình bắt đầu học cách ngồi dậy, học cách di chuyển quanh nhà bằng cách xỏ tay vào 2 chiếc dép và tập nhấc người lên nhưng ngay lập tức bị lộn nhào mấy vòng. Sau đó mình tập di chuyển bằng hai chiếc ghế nhựa, cũng ngã rất nhiều nhưng không bỏ cuộc. Sau nhiều lần ngã đau như trời giáng mình cũng tự di chuyển được”, Chung ngậm ngùi nhớ lại.
Sau khi đi được, Chung bắt đầu nghĩ đến chuyện học bơi. “Ngã ở đâu thì đứng lên ở đấy. Vì bơi mà mình mất đi đôi chân, vì bơi mà mình trở nên tật nguyền. Chính vì thế mình quyết định chọn môn bơi để tập, để tìm lại cuộc sống và tìm lại bản thân”, Chung nói.
Đối với môn bơi lội, đôi bàn chân rất quan trọng vì ngoài việc dùng để đạp nước thì nó còn là bánh lái để giữ thăng bằng. Thế nhưng, dù không còn chân nào, Chung vẫn trở thành một vận động viên bơi lội xuất sắc và làm được nhiều việc ý nghĩa như ngày hôm nay. Năm đầu tiên khi tham gia tập luyện và thi đấu tiền Paragame 2003, Chung đã giành được 3 huy chương bạc và 3 huy chương đồng ở bộ môn bơi lội, ném lao và đẩy tạ. Sau đó được chọn vào đội tuyển quốc gia và thi đấu ở nhiều nước trên thế giới, Chung đã giành huy chương vàng tại Thái Lan, huy chương đồng ở Malaysia và Indonesia.
Anh chàng không chân khởi nghiệp1
Chung mong ước có một ngày sẽ được truyền cảm hứng vươn lên trong cuộc sống cho người trẻ
Sức khỏe là trên hết

“Sản phẩm đã được kiểm nghiệm và test các thành phần trước khi bán ở phiên chợ. Khách hàng rất tin dùng sản phẩm, nhiều người xài rồi quay lại mua tiếp đều khen vì mùi thơm tự nhiên và giữ được khá lâu trên da, khi dùng để rửa mặt da vẫn rất mịn và rất dễ chịu. Phiên chợ chúng tôi lập ra dành cho những sản phẩm tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường như xà bông SIM của Chung”.

Vũ Kim Anh
 
(Chủ nhiệm chương trình khởi nghiệp của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM, Ban tổ chức phiên chợ Xanh tử tế)
Không dừng lại ở đấy, 2 năm gần đây chàng vận động viên tài năng này đã dấn thân vào con đường kinh doanh, chọn tiêu chí sạch, an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường làm định hướng khởi nghiệp.
“Mình xác định không thể theo bơi lội suốt đời. Hơn nữa mình cũng muốn kinh doanh để kiếm thêm tiền lo cho mẹ. Nhưng kinh doanh đâu chỉ cứ nghĩ đến đồng tiền để bỏ vào túi. Tại sao mình không nghĩ đến chuyện làm một việc gì đó vừa có thu nhập cho bản thân vừa có thể giúp ích xã hội”, Chung lý giải về việc chọn khởi nghiệp bằng sản phẩm sạch.
Từ đó sản phẩm xà bông sạch từ cám gạo, than tre và nhiều thảo mộc thiên nhiên khác của Chung ra đời, lấy tên là xà bông SIM.
Chúng tôi thấy sản phẩm của Chung tại phiên chợ Xanh tử tế (TP.HCM) vào một ngày gần cuối tháng 3. Khi ấy gian hàng bày bán sản phẩm xà bông SIM của Chung rất đông khách, vì sự mới lạ của sản phẩm cũng như câu chuyện về chủ nhân của sản phẩm này khiến khách hàng ai cũng trầm trồ ngợi khen.
Trò chuyện với Chung mới biết, để làm ra một bánh xà bông là cả một quá trình kỳ công. “Tất cả mình làm thủ công nên tốn nhiều công sức. Với một người lành lặn, những công việc này đã vất vả, mình tật nguyền nên vất vả gấp đôi”, Chung tâm sự.
Trước tiên là phải có phôi xà bông tự nhiên, sau đó cắt nhỏ phôi để hấp cách thủy cho tới khi phôi tan rồi cho các nguyên liệu theo từng loại xà bông khác nhau. Phôi xà bông có thành phần chính từ dầu cọ (nhập từ Malaysia), dầu dừa, nước giếng Sao Sa (Ninh Bình) có mặt trong dạng dịch chiết bồ hòn, tinh dầu, phụ gia (đường mía, muối tinh, dịch chiết quả chanh, glycerin thực vật). Còn thành phần nấu gồm có mật ong, bột nghệ, phấn hoa, bột sả và các loại tinh dầu.
“Mỗi mẻ, chỉ công đoạn nấu thôi cũng mất 2 - 3 tiếng, cho ra thành phẩm là 56 bánh. Khó nhất là lúc đợi phôi tan, vì sơ ý phôi sẽ tràn và bị hư hỏng hết. Nếu phôi tràn xem như là mẻ đó mất trắng”, Chung cho hay.
Sản phẩm xà bông này hoàn toàn tự nhiên và không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Chung chọn những nguyên liệu tốt cho da và sức khỏe của người tiêu dùng như cám gạo sẽ giúp làm sạch da và loại bỏ được phần da chết. Bên cạnh đó, vì là xà bông tắm cần mùi thơm, nên thay vì dùng chất tạo mùi không tốt cho sức khỏe, Chung đã nghiên cứu kết hợp với các loại tinh dầu chiết xuất tự nhiên để tạo mùi thơm.
“Có một điểm hạn chế là do xà bông không sử dụng hóa chất và hoàn toàn tự nhiên nên không tạo được nhiều bọt khi sử dụng. Tuy nhiên, mình nghĩ ít bọt nhưng an toàn thì vẫn hơn. Sản phẩm của mình không chỉ an toàn cho sức khỏe mà khi tắm nước thải ra cũng rất thân thiện với môi trường”, Chung chia sẻ.
Hiện tại sản phẩm của Chung đã có mặt ở TP.Hà Nội, TP.HCM và được rất nhiều khách hàng tin dùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.