Anh chồng 'hay chữ'

31/12/2014 09:00 GMT+7

Học hành lớt phớt, tốt nghiệp phổ thông trong tình trạng... xém rớt, viết chữ như gà bới, vậy mà anh Sáu hay nói chữ tới mức người làng đặt 'chết' tên Sáu Chữ.

Học hành lớt phớt, tốt nghiệp phổ thông trong tình trạng... xém rớt, viết chữ như gà bới, vậy mà anh Sáu hay nói chữ tới mức người làng đặt “chết” tên Sáu Chữ.

Minh họa: DADMinh họa: DAD
Văn hay bù... chữ xấu
Vợ anh, chị Na, rất ghét tên này. Chị nói với chồng, anh không thấy người ta biếm anh sao? Có “sáu chữ” mà bày đặt nói chữ. Anh cười hề hề, nói Na phu nhân đừng có “lộng chân thành giả”, tư duy của em phi lô gic rồi. Anh tên Sáu, đàm thoại hay, văn chương mạch lạc, từ ngữ phong phú, điêu luyện, sang trọng và... hợp thời trang nên họ đặt tên Sáu Chữ là chính xác. Chuyện đặt tên tuy là chuyện “phong vân”, nhưng khi nó đã vận vào người rồi thì bó phép, có hình có dạng đâu mà mình gỡ ra ném trả lại cho người ta. Anh chỉ hơi bất mãn một chút là cái tên nghe có vẻ bình dân quá. Phải chi người đặt có trình độ học thuật, dứt khoát tên anh phải là… Lục Tự chân nhân.

Mẹ chồng Na khuyên con dâu: “Kệ nó, nó ham chơi chữ cứ để nó chơi, hơi đâu để bụng”. Chị Na giận dỗi: “Nhưng đâu phải người ta kêu mình  ảnh. Con cũng bị. Gặp con đi chợ, ai cũng kêu chị Sáu Chữ, con thấy dị (mắc cỡ) òm”. Nghe chuyện, anh Sáu Chữ cười hì hì, nói Na hiền thê đừng triển khai thêm, làm phức tạp hóa vấn đề. Mà anh nói chân thành nghe, văn hay có thể bù… chữ xấu. Ngày trước em chẳng nói em lấy anh nhờ anh viết thư mùi mẫn hay sao?

Một lá thư... ngất ngư ba người đẹp

Na làm thinh. Chị chợt nhớ đến những lá thư anh Sáu viết cho chị thuở rung động đầu đời. Thư nào cũng ướp vài cánh hoa lài với những dòng chữ “bác sĩ”, long lanh màu… sến: “Na ái, đêm nay, dưới vầng trăng thượng tuần, anh lại hoài tưởng về Na yêu dấu và yêu quý của anh. Chắc giờ này Na đã say trong mộng điệp…”. Bữa sau, dưới rặng trâm bầu, Na bẽn lẽn hỏi người tình: “Na ái, trăng thượng tuần, hoài tưởng, mộng điệp là gì vậy anh?”. Sáu nhà ta giải thích một hơi rằng Na ái là Na yêu; trăng thượng tuần là trăng… đầu tuần, khoảng thứ hai, thứ ba gì đó; hoài tưởng là… nhớ mãi, là thương hoài ngàn năm; còn mộng điệp là mộng… trùng trùng điệp điệp. Na lại hỏi trong men tình ngây ngất: “Yêu thì em biết rồi, nhưng yêu dấu và yêu quý khác gì nhau hả anh?”. Sáu “giải” luôn: “Yêu dấu” là yêu mà phải… giấu kín trong tim; còn “yêu quý” nghĩa là anh yêu em đã… ba tháng rồi”.

Thằng Xiêm, em Na, thương thầm cô bé hàng xóm tên Hiền. Nó nhờ anh rể tương lai viết thư tán giùm. Anh Sáu nói chuyện nhỏ, để anh. Anh mà viết thư, cóc trong hang cũng xúc động bò ra nữa là gái. Nhưng anh đã “sao y bản chính” lá thư gởi Na, chỉ đổi Na thành Hiền rồi đưa cho Xiêm. Một bữa, Hiền ngồi nghỉ dưới bóng tre đầu xóm. Xiêm đi ngang thả lá thư vào gánh củ mì của Hiền rồi… bỏ chạy. Chụp giựt vậy mà thành. Xiêm nơ được Hiền. Sáu cũng bợ được Na. Hôm nọ, em dâu kể với chị chồng kỷ niệm một thời yêu. Hiền khoe anh Xiêm ít học mà viết thư hay ác liệt. Na hỏi đâu đâu, em nói sao ấy chớ thằng Xiêm viết thư làm gì bằng anh Sáu tú tài nhà chị. Đọc thư, từ há hốc, thảng thốt, Na chuyển sang trạng thái… ngậm ngùi: Đúng là Sáu… láu. Bị vợ cấu đến… nát ngực, Sáu cười khì khì nói vậy thôi, vậy thôi. Con gái yêu bằng tai. Bao nhiêu đó là đủ để các nàng xiêu đổ. Chỉ có dân tú tài ban C như anh mới biết sử dụng chiến thuật… một lá thư ngất ngư ba người đẹp. Na trợn mắt hỏi đâu mà tới ba người lận? Sáu à ừ nói anh lộn rồi. Chỉ có hai thôi.

Tấn hài kịch về lá thư “copy” tưởng tới đó là chấm dứt. Chẳng ngờ Hậu, em ruột Hiền, một chiều đẹp trời cũng khoe lá thư văn vẻ của anh chồng mới cưới. Nội dung thư y chang lá thư của Oanh và Na, chỉ khác chữ đầu “Hậu ái”… Lúc đó Sáu Chữ mới công nhận mình… đại bại nhưng không hề… thiệt hại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.