|
Em hỏi anh, anh biết hỏi ai ?
Tính anh gần gũi với học trò, dạy hay đáo để vì anh luôn “nhập hồn” vào bài giảng. Có lần được dự giờ, anh liên hệ đến chất bi tráng trong “tiếng trống Mê Linh”, học trò lặng người rưng rưng xúc động đến mấy phút. Ai cũng khen tiết dạy thành công. Riêng hiệu phó nhắc nhở, nói anh nên bớt chất văn, tăng chất sử. Bục giảng không phải là sân khấu. Đừng có để học sinh sụt sùi như thế.
Chủ nhật, tôi đến nhà anh chơi nhưng không gặp. Buồn và tiếc. Đã vậy lại còn phải ngồi nghe Hoa, vợ Huỳnh, “tổ khổ”: “Ổng đi rồi. Nghe có ai đó chuyển nhà, cho không mấy trăm cuốn sách. Vậy là ổng điện cho thư viện trường rồi đi tuốt luốt”. Mời tôi ly trà nóng, chị ca cẩm: “Hổng biết ai ớn ổng chưa chớ tui ớn hung rồi. Giờ mà ai rước ổng đi, tui cho luôn. Chồng người ta thì dạy thêm rầm rầm, kiếm tiền ầm ầm. Còn ổng thì chúi mũi vào viết sử địa phương. Hỏi được đồng nào không? Ổng nói không gọn lỏn”.
Tôi nói môn sử của chồng em sắp lên ngôi vì xã hội đang rất quan tâm tới việc dạy và học môn này. Mắt Hoa bỗng sáng rực nhưng tối đi cũng rất nhanh. Hoa nói anh xạo hoài. Nếu vậy sao không thấy học sinh nào tới nhà nhờ ảnh dạy thêm sử? Tôi gãi đầu, nói em hỏi anh, anh biết hỏi ai?
Giáo viên “vu khống” nhà trường
Có lần thấy một học trò nghèo đứng khóc ngoài hàng rào (cờ đỏ không cho vô vì dép không có quai sau). Anh móc túi cho hai trăm biểu nó đi mua dép mới. Kể tới đây Hoa xẵng giọng: “Con của ổng mang dép cũ, ổng chớ hề đả động gì. Còn con người ta… Đúng là ruột bỏ ra da bọc vào”.
Đồng nghiệp của anh than phiền: Tan trường, hễ ra khỏi cổng là ổng xổ áo ra khỏi quần, mặt mày nhẹ nhõm như vừa trút đi một gánh nặng. Hỏi thì anh nói bỏ áo ra ngoài cho tự nhiên thoải mái. Đi họp, người ta thì ngồi nghiêm túc, hí hoáy ghi ghi chép chép, anh thì nhấp nha nhấp nhổm, nhoáy vài hàng cho có rồi ngọ ngoạy liên tục, y như bị kiến lửa cắn vào chỗ nghiệt. Vậy nên xếp loại thi đua lần nào anh cũng bị đặt cuối danh sách vì: “Thầy Huỳnh tuy giỏi chuyên môn nhưng… tồn nhiều khuyết điểm quá”.
Cứ theo cái điệu càm ràm của Hoa, bạn tôi quả là một ca sĩ hay hát… trật nhịp bài ca cuộc sống. Chẳng hạn, cơ quan phát bánh trung thu, gặp hai đứa nhỏ “chào thầy” trước cổng trường, thương quá, anh cho luôn. Trên đường về, anh vét túi mua mớ bánh tạp nham về cho con. Vợ chê, anh “vu khống” nhà trường năm nay cho bánh tệ quá.
Anh rất quý bạn, quý tới mức cả nể. Một chiều thứ bảy, anh đi hớt tóc, rời nhà lúc 2 giờ nhưng tối mịt mới mò về. Thì ra, đi chưa tới nơi thì bạn bè trong quán nhậu đã đón đầu “bắt cóc” anh. Anh cười hề hề, nói mấy ông đừng có… ngăn cản bước đi của “lịch sử” nghen. Miệng thì nói vậy nhưng chân thì hiên ngang tiến vào, nói cười rổn rảng. Tửu lượng anh kém nhưng miệng mồm giòn tan. Anh nói tui “vào ba ra bảy” đặng còn đi giải quyết cái đầu nên xin phép “chơi” luôn mười lon. Khui xong anh rót tùm lum, hô hào rật rật, “thơ” tuôn xối xả: Bia mình thì uống cầm chừng/Bia bạn phải uống tưng bừng mới vui. Dzô!
Anh em tranh thủ nhắc khéo Huỳnh về cái vụ họp hành, quần áo và mấy thứ linh tinh khác, nói ông phải cẩn thận, cuộc sống có cái nhịp của nó, ông cứ trật nhịp hoài vợ con nó buồn, rồi cơ quan cũng phiền nữa. Huỳnh à ừ, nói đúng đúng, mình xin… khắc nhập.
Trời tối hẳn. Anh “cương quyết” đứng thẳng lên nhưng đi hơi… quẹo tới tiệm hớt tóc. Thợ hỏi hớt kiểu gì? Anh cười khì, nói giờ này là giờ nào mà kiểu với cách. Cứ hớt đại, miễn vợ tui… không nhận ra tui là được.
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)