Anh em gần 80 tuổi đưa nhau ra tòa
Theo hồ sơ, năm 1940, ông nội tổ của hai anh em ông Sơn (77 tuổi) và bà Thủy (76 tuổi) có tạo lập và để lại đất hương hỏa cho con cháu với trên 10 ha đất ruộng ở Sài Gòn. Tháng 12.1996, trưởng tộc đã đứng ra phân chia ruộng đất cho 4 chi tộc công khai bằng cách lập tờ tương phân ruộng hương hỏa, có đầy đủ chữ ký của trưởng tộc và bốn chi tộc, được chính quyền xã xác nhận.
Theo tờ tương phân, ông Sơn được chia 20 công ruộng. Khi nào chuyển nhượng thì ông Sơn có nghĩa vụ và trách nhiệm chia lại cho bà Thủy được quyền hưởng 10% giá trị trong tổng số tiền ruộng đất đã được chuyển nhượng.
Tuy nhiên, bà Thủy cho biết, khoảng năm 2008, ông Sơn đã bán đi một lô đất với giá 1 tỉ đồng và chỉ chia cho bà 80 triệu đồng. Năm 2010, ông tiếp tục bán một lô đất không rõ giá nhưng có chia cho bà 100 triệu đồng. Ông còn mang một phần đất tặng cho con dâu và con trai.
“Cách chia này của ông Sơn là cố tình muốn chiếm đoạt luôn số tiền lớn còn lại đúng ra phải được được chia cho tôi theo quy định thỏa thuận trong giấy tương phân ruộng đất. Năm 2017, ông Sơn đã tiếp tục chuyển nhượng số đất còn lại cho người khác và thu lại số tiền rất lớn khoảng 28 tỉ đồng nhưng không chia đủ 10% số tiền đó cho tôi, chỉ đưa 200 triệu”, bà Thủy viết trong đơn khởi kiện gửi tòa án huyện vào giữa năm 2018.
Trong buổi kiểm tra việc giao nộp, tiếp nhận, công khai chứng cứ vụ việc tại tòa, nhiều chứng cứ được bà Thủy nêu ra có nguồn gốc từ… đời ông nội tổ của gia đình! Những vấn đề pháp lý chồng chéo nhau qua các cuộc họp bàn tương phân di sản, người trong gia đình mất đột ngột không để lại di chúc… từ tận thời trước. Nhưng về giấy tờ, phía bà Thủy chỉ giữ lại được duy nhất tờ tương phân ruộng đất lần 2.
Trong khi đó, giấy tờ quyền sử dụng 20 ha đất đang được ông Sơn đứng tên. Vì vậy, ông phản bác rằng, phần đất ông chuyển nhượng không nằm trong phần diện tích đất chung mà ông và bà Thủy được hưởng theo tờ tương phân. Ông cũng trực tiếp phản đối tờ tương phân lần 2 là không phù hợp quy định của pháp luật.
Câu chuyện chưa hồi kết, tan nát một gia đình
Ngẫm rằng, ở cái tuổi gần 80 không ít người sống tới, lẽ ra phải thật an nhàn, vui vầy cùng con cháu. Thế mà 2 anh em cùng cha mẹ lại kéo nhau ra tòa. Tài sản là những con số không hề nhỏ khiến người ta dễ “choáng”, và chắc cũng vì đó mà bất chấp tình nghĩa ruột rà…
|
Buổi hòa giải theo thủ tục diễn ra sau đó không lâu. Ông Sơn, bà Thủy đều lưng còng tóc bạc, đi lại khó khăn, nhưng vẫn có mặt để khăng khăng phần đúng thuộc về mình. Cháu con lũ lượt đi theo. Người đến để đại diện ủy quyền thuê luật sư, thúc đẩy cuộc tranh chấp, người đến vì có nghĩa vụ liên quan, sẽ thừa hưởng phần đất đang tranh chấp. Những người trẻ ấy, còn có phần... “sốt sắng” hơn trong cuộc kiện cáo.
Phía bà Thủy vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đòi lại số tiền 2,6 tỉ đồng. Còn ông Sơn phân tích, nếu ông không canh tác, cày cấy trên phần đất tổ tiên thì làm sao có giá trị đến ngày hôm nay. Ông cũng khai rằng số đất bán được chỉ trị giá 2 tỉ đồng, sau khi bán đã chia cho bà Thủy 200 triệu đồng. Số tiền đó là vì tình nghĩa anh em, chứ giấy tờ quyền sử dụng đất là của ông, không nằm trong diện tích đất chung trong tờ tương phân.
Buổi hòa giải bất thành, tòa án yêu cầu nguyên đơn phải cung cấp các tài liệu chứng cứ có liên quan đến nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, tên và địa chỉ những người liên quan. Đặc biệt là tờ tương phân đất lần 1 năm 1954 mà bà Thủy đã không còn lưu giữ.
Những giấy tờ, chứng cứ mơ hồ theo thời gian, theo chuyển biến lịch sử, hẳn sẽ kéo dài cuộc kiện cáo. Nhưng dù có đưa ra xét xử hay không, cũng đã tan nát tình cảm một gia đình…
Ông Sơn, bà Thủy, ai cũng có cái lý riêng của mình, chẳng hòa thuận khi thế hệ cha mẹ, ông bà không còn nữa. Giả… một ngày họ không còn, con cháu họ có như thế nữa không? Với những gì đã diễn ra không hồi kết nhiều năm qua, câu trả lời chắc ai cũng mường tượng được…
Bình luận (0)