"Không ngờ, chiều 7.5 địch ra hàng, cờ trắng giương khắp nơi. Đánh nhau mãi rồi cũng thắng, chúng tôi mừng quá, không thiết ăn uống", các cựu chiến binh Điện Biên Phủ nhớ lại vậy.
Chết cũng phải ăn no mặc đẹp
Nhiệm vụ đầu tiên là dứt điểm đồi A1. Trong hồi ký của mình, cố đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Phú Xuyên Khung (1923 - 2010) nhớ lại thời điểm là Đại đội trưởng đội 83 công binh, Trung đoàn 151, Sư đoàn 351): "Chúng tôi được lệnh đào đường hầm và đặt bộc phá trong lòng đồi A1. Bắt đầu đào từ ngày 20.4.1954, đến ngày 5.5.1954, đo được 38 m thì có lệnh đặt bộc phá để đánh. 20 giờ 30 ngày 6.5.1954, sau khi điểm hỏa, khối bộc phá gần 1 tấn nổ "ục" thổi bay chiếc lô cốt và diệt phần lớn đại đội lính dù 2 của Pháp. Tiếng nổ cũng là hiệu lệnh cho các đơn vị quân ta tấn công đồi A1".
Sáng 6.5.1954, cố tiểu đội trưởng Trần Quý (nguyên Tiểu đội trưởng bộc phá thuộc Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316) được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội đánh ụ 17 (lúc ấy bộ đội gọi là "ụ thằng người" ở điểm cao A1).
"Chúng tôi xác định là chết vì ổ đề kháng ở đây rất mạnh, chính nó đã chặn không cho ta chiếm được A1 và gây thương vong cho hàng nghìn anh em", ông Trần Quý nhớ lại và kể lúc sinh thời: "Chúng tôi bảo nhau đi thay quần áo mới. Khi được chia 2 nắm cơm để ăn chiều và sáng, anh em cùng làm tất một bữa, không mai chết lại phí cơm"...
Cuối tháng 4.2014, trong buổi gặp gỡ các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 316 (nay là Sư đoàn 316, Quân khu 2) tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tại hội trường nhà khách Bộ Tổng tham mưu, ông Trần Quý kể: Trận đánh cuối cùng ở đồi A1, tiểu đội bộc phá của ông hy sinh 4 người. Khi ta chiếm xong đồi A1, đại đội phó Nguyễn Văn Di xuống kiểm tra hiệu quả của tiểu đội bộc phá trong "ụ thằng người" thì bị trúng loạt cối cuối cùng của địch từ Hồng Cúm dập xuống. Đây là người lính cuối cùng của Tiểu đoàn 251 (Trung đoàn 174) hy sinh trên đồi A1, ngay trước giờ chiến thắng.
Ký ức ‘khoét núi, ngủ hầm’ và khối bộc phá ngàn cân trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Vải dù trắng đồi C2
Đêm 6.5.1954, đơn vị ông Nguyễn Kim Lung (Đại đội 38, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316) là chủ công, cùng lực lượng của 3 tiểu đoàn khác, quyết tâm chiếm cứ điểm C2. Trước giờ nổ súng, bộ đội phải nằm chờ hiệu lệnh của bộc phá từ đồi A1, nên bị pháo địch gây thương vong rất lớn. Mãi đến 8 - 9 giờ ngày 7.5.1954, các đơn vị mới giải quyết xong cứ điểm C2. "Đại đội 35 của Tiểu đoàn 439 hy sinh hầu hết. Đại đội 38 tôi và 34 đi sau cũng thiệt hại nặng. Lúc ấy mình phải trèo lên xác anh em mà tiến, đau lòng lắm", ông Lung kể lại trong hồi ký.
Trong hội thảo khoa học quốc gia nhân 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, mới được tổ chức tại TP.Điện Biên Phủ, đại tá Nguyễn Hữu Tài (96 tuổi, hiện đang sống tại Q.Ba Đình, TP.Hà Nội, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân VN) kể lại thời điểm tháng 5.1954, ông là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312) tham gia trận đánh cứ điểm 505 (cách cụm chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vài trăm mét), đêm ngày 6 và ngày 7.5.1954.
"Trên giao nhiệm vụ: nếu có điều kiện thì đánh thẳng vào hầm De Castries. Sáng 7.5.1954, khi các đơn vị khác đã làm chủ A1, C2 nhưng vẫn chưa đánh được 505. Chỉ huy trung đoàn họp, xin ý kiến cấp trên cho đánh ngay ban ngày, không chờ đến tối như quy định. Ban đầu, cấp trên từ chối nhưng khi nghe phân tích: "A1 giải quyết xong, các nơi khác địch tan hoang, sẽ không ném bom bắn phá dày như trước", đã đồng ý cho đánh. 14 giờ ngày 7.5, chúng tôi tiếp tục đánh 505. Được một lúc thì vào được trong và thấy cờ trắng của địch ở khắp nơi"...
Trong hồi ức của mình, ông Phạm Minh (nguyên Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 98, Sư đoàn 316) nhớ lại: "Chiều 7.5.1954, chúng tôi lên kiểm tra trận địa C2. Bộ đội mình hy sinh vẫn nằm trên đồi. Chúng tôi lấy dù màu trắng liệm anh em, trắng cả đồi C2. Chiến thắng rồi mà mình vẫn phải có tinh thần thật vững vàng. Nhưng có lẽ trên hết là ý nghĩ: May quá. Đã kết thúc chiến tranh rồi. Chiến tranh chết chóc nhiều quá. Ta khổ mà địch cũng khổ. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, mừng quá!".
* Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn sách Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954 - 2009 (Nhóm biên soạn: Đào Thanh Huyền, Phạm Thùy Hương, Phạm Hoàng Nam, Nguyễn Xuân Mai, Phạm Hoài Thanh, Đặng Đức Tuệ), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2009.
Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quyết định cân não làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Chiều 7.5.1954, thấy Tây lũ lượt ra hàng, anh em chúng tôi sung sướng quá, chẳng thiết ăn uống gì cả. Trời Điện Biên Phủ mấy hôm trước mưa liên miên, đúng chiều 7.5 lại nắng đẹp. Tôi nằm vật ra bãi cỏ suy nghĩ miên man: Bao giờ đánh vào Hà Nội? Tây Bắc thế là giải phóng, nhưng còn Đông Bắc.
Vợ tôi dạy học ở khu giải phóng Đông Triều. Chúng tôi cưới nhau cuối tháng 9.1953. Lễ cưới vừa xong thì có tin địch mở trận càn, thế là chúng tôi chia tay, người đi sơ tán, người lo đánh giặc. Rồi tôi đi chiến dịch không gặp lại cô ấy. Trong chiến tranh, có lúc tôi nghĩ: Nếu mình hy sinh thì người vợ trẻ sẽ thành góa phụ, trong khi vẫn còn con gái"...
Ông Lê Kim (nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, sau là đại tá, phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Báo Cựu Chiến binh Việt Nam. Ông mất năm 2020)
Tối 7.5.1954 giải phóng, không còn bom đạn, tôi cho bộ đội ở ngay trên đồi A1. Lần đầu tiên anh em trải bạt nằm trên mặt đất. Đêm ấy trăng sáng rất đẹp. Chúng tôi nhận lệnh: Nếu Hồng Cúm không hàng thì sẽ đi đánh. Không ngủ được, anh em vui quá pha cả chậu thau cà phê uống với nhau và toàn nói chuyện về đồng bằng. Sau chuyến này, mình về giải phóng đồng bằng đây…
Ông Nguyễn Hải Bằng (nguyên Đại đội trưởng 312, Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316; sau là trung tướng, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng; đã mất năm 2019, thọ 95 tuổi)
Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi bị tiểu đoàn đè ra kiểm điểm, suýt bị kỷ luật. Cũng chỉ vì mừng quá. Chiều hôm ấy nó ra hàng, mình tự nhủ: "Thôi hết khổ, hết chết rồi". Địch ra, mặc quần đùi cởi trần, nóng mà. Giao thông hào lúc ấy đầy nước. 3 - 4 thằng cầm cờ trắng lên hàng. Tôi ở tuyến đầu, nghe anh em gọi "Sơn ơi! Nó ra hàng kìa".
Tôi mừng quá, nhảy vọt lên khỏi hầm. Vì biết tiếng Pháp nên ra tiếp nhận đầu hàng, chạy về phía nó. Mấy cái thằng đi đầu giơ tay. Mình cũng giơ tay ra bắt lại. Anh em trông thấy, báo cáo tiểu đoàn và tôi bị kiểm điểm vì 2 lý do: "Thứ nhất, rất chủ quan khinh địch, nếu nó trá hàng thì sao? Anh nhảy lên lại dắt theo anh em, nhỡ nó làm 1 băng đạn thì chết hết. Thứ hai là mất lập trường, anh bắt tay kẻ thù"... Tôi bảo: "Tôi không có ý gì cả, chỉ là do mừng quá. Chứ địch - ta rõ ràng, tôi không bắt tay với kẻ thù". Mãi các ông ấy mới tha...
Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn, nguyên giảng viên khoa tiếng Nga, Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội; nguyên cán bộ trung đội, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316)
Bình luận (0)