Những bức hình vẽ mặt cắt và mặt trước của khu nhà ăn Đại học Y khoa Hà Nội (sau này là Đại học Đông Dương và ĐH Khoa học tự nhiên); hình vẽ lan can, dự toán vật liệu xây dựng của cầu Long Biên; bản vẽ mặt đứng của Nhà hát Lớn Hà Nội; thiết kế sơ bộ mặt bên của Nha Tài chính Đông Dương (hiện là trụ sở Bộ Ngoại giao); biên bản phiên đấu thầu công trình xây dựng Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ... Những tư liệu như thế đang được trưng bày tại triển lãm Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội.
Triển lãm diễn ra từ ngày 9 - 27.10, tại sảnh tầng 1 Nhà hát Lớn Hà Nội, sau đó tiếp tục được trưng bày tại phố sách Hà Nội. Trong đó, ban tổ chức lựa chọn giới thiệu phiên bản tài liệu hành chính, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật của 6 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu tại Hà Nội đang bảo quản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, gồm: Nhà hát lớn thành phố, Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Sở Bưu điện Hà Nội, Trường đại học Đông Dương, Nha Tài chính Đông Dương và cầu Doumer (Long Biên).
Cộng sinh, hòa hợp với văn hóa bản địa
Thông qua tài liệu lưu trữ, có thể thấy kiến trúc Pháp du nhập vào VN trải qua quá trình lâu dài. Giai đoạn đầu, người Pháp xây dựng các công trình công sở, dinh thự và trại lính phục vụ bộ máy cai trị và đặc biệt là thể hiện sức mạnh của chính quyền thực dân.
Thạc sĩ Trần Nhật Khôi, giảng viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho biết qua các kiến trúc giới thiệu trong triển lãm, có thể thấy những giai đoạn khác nhau của tiến trình người Pháp xây dựng kiến trúc tại Hà Nội. Chẳng hạn, tòa nhà Bưu điện Hà Nội mang phong cách tân cổ điển. Tuy nhiên thời gian sau đó, người Pháp đã tìm được một phong cách thích hợp hơn với văn hóa và khí hậu bản địa là kiến trúc Đông Dương, với các công trình tiêu biểu là Đại học Đông Dương (1926), Nha Tài chính Đông Dương (1926), Bảo tàng Louis Finot của Viện Viễn Đông Bác cổ (1925).
Lối kiến trúc Đông Dương nổi bật ở việc áp dụng các giải pháp để tăng sự thông thoáng cho ngôi nhà, như bố trí các dãy hành lang rộng và dài chạy dọc theo công trình, nhiều cửa sổ cao, mở rộng; các cửa có lá sách để đảm bảo sự thông gió tự nhiên ngay cả khi đóng; giếng trời; sử dụng mái bằng hoặc mái lợp ngói, mái nhô ra xa để che nắng… Ngoài ra công trình còn sử dụng nhiều hoa văn trang trí theo mô-típ Đông phương.
Do kết hợp được cả giá trị thẩm mỹ và công năng sử dụng nên mấy chục năm nay, kiến trúc Pháp, đặc biệt là kiến trúc Đông Dương, vẫn để lại ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều công trình kiến trúc VN sau này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng hai công trình quan trọng ở Sài Gòn trước 1975 là Thư viện Quốc gia Sài Gòn của KTS Nguyễn Hữu Thiện và dinh Độc Lập của KTS Ngô Viết Thụ là sự kế thừa tinh thần của phong cách kiến trúc Đông Dương kết hợp với phong cách hiện đại nhiệt đới Đông Nam Á. Theo KTS Trần Huy Ánh, Viện Nghiên cứu kiến trúc (Bộ Xây dựng), nhiều KTS của Trường Mỹ thuật Đông Dương được người Pháp đào tạo đã có những tác phẩm vừa hiện đại vừa giàu tính bản địa. Nhà Thủy tạ trên hồ Hoàn Kiếm của KTS Võ Đức Diên là một tác phẩm như thế. Các KTS Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh, Ngô Công Đức... cũng sáng tác nhiều biệt thự đẹp trên phố Nguyễn Du, Nguyễn Thái Học ở Hà Nội.
Thay đổi không gian sống của người Việt
Còn đối với nhà ở riêng lẻ, theo ông Trần Huy Ánh, chính phong cách kiến trúc Pháp đã ảnh hưởng và thay đổi hẳn không gian sống của người Việt theo hướng tiện nghi hơn, kiên cố hơn, thông thoáng hơn, đa dạng hơn. “Trước nhà người Việt chỉ có 1 gian 2 chái, trong khi chỉ riêng kiến trúc Đông Dương đã có muôn vàn cách cấu trúc không gian phù hợp với điều kiện sống và khí hậu”, ông nói.
Cho đến nay, do sự thay đổi của không gian xây dựng, sự xuất hiện của nhiều xu hướng kiến trúc hiện đại, việc áp dụng nguyên xi kiến trúc Pháp vào công trình không còn phù hợp, nhưng những giải pháp để công trình hòa hợp với điều kiện tự nhiên mà người Pháp để lại vẫn còn nguyên giá trị.
Bình luận (0)