Không chỉ gây ấn tượng bởi sự sáng tạo, nhiều bộ ảnh được các bạn
trẻ sắp đặt còn chuyển tải những thông điệp cuộc sống rất thời sự và sâu
sắc.
Đừng bạo hành phụ nữ của Đỗ Xuân Bút |
Trào lưu chụp ảnh sắp đặt, mang thông điệp cũng được nhiều bạn trẻ theo đuổi và tạo nên những hiệu ứng tích cực.
Thông qua những bộ ảnh: Đứa trẻ công nghệ, Cô bé bán diêm, Đừng bạo hành..., cái tên Đỗ Xuân Bút đã trở nên quen thuộc với giới trẻ. Những bức ảnh do chàng trai này thực hiện đều khiến người xem thích thú bởi những chi tiết, chủ đề gần gũi với cuộc sống nhưng được chuyển tải rất mới lạ và thậm chí rất “độc”.
Xuất thân là dân công nghệ thông tin từ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, nhưng tình yêu nhiếp ảnh đã kéo anh chàng này bước ra khỏi giới hạn của mình. Lấy chất liệu từ cuộc sống, lời nói và câu chuyện xung quanh, những bộ ảnh của Bút nhận được sự đồng cảm của nhiều người. “Mình muốn truyền tải những thông điệp để cuộc sống được tốt đẹp hơn, và mong sẽ có người thay đổi hoặc chia sẻ những bài học mà họ cảm thấy từ bức ảnh”, Bút bộc bạch.
Cùng lấy chất liệu từ thực tế như Bút, nhưng các bộ ảnh: Gà trống, Gà mái và Daydreamers (tạm dịch: Những kẻ mộng mơ) của Tâm Bùi lại mang một màu sắc khác. Lựa chọn những chủ đề nhạy cảm như đồng tính, làm cha mẹ đơn thân... cho những bộ ảnh của mình, Tâm chia sẻ anh muốn nói lên quyền được sống cho bản thân của mỗi người.
Gà mái của Tâm Bùi
|
Sức hút từ những bộ ảnh “ngàn like” của anh chàng này còn đến từ những nhân vật đẹp và giàu biểu cảm. Có khi đó là những người mẫu với thể hình “chuẩn đến từng múi”, có khi đó lại là một bà mẹ đơn thân đầu tóc rối bời nhưng nụ cười tỏa sáng.
Để những bộ ảnh chuyển tải một cách chính xác thông điệp của người lên ý tưởng, đằng sau đó là cả một quá trình với nhiều công sức.
Theo kinh nghiệm của Bút, thuận lợi của việc sắp đặt là giúp bộ ảnh giống như một câu chuyện, dẫn dắt người xem xuyên suốt từ mở đầu đến kết thúc. Hơn nữa, các bức ảnh theo thể loại này thường thuộc dạng siêu thực (fine art), một hình thức khá mới ở VN, thể hiện óc tưởng tượng của tác giả và không theo bất cứ quy tắc nào. Đó cũng là cách mà các bức ảnh đi vào trí nhớ người xem khiến họ phải suy ngẫm.
Bản thân Tâm thì cho rằng cái khó của những bộ ảnh sắp đặt đó là phải tìm đúng người, kể đúng chuyện và ở đúng không gian. Chưa từng kinh qua những trải nghiệm của các nhân vật, nhưng Tâm không áp đặt mà luôn lắng nghe, quan sát nhân vật cũng như gạt qua những định kiến cố hữu.
Bên cạnh đó, trào lưu chụp ảnh này không chỉ đang là xu hướng mới trong giới trẻ tại VN mà còn là phương tiện quảng bá hiệu quả mà các nhãn hàng hướng tới, nhất là trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, theo Mễ Thuận, nhà báo tự do kiêm nhiếp ảnh gia, trào lưu chụp ảnh sắp đặt cũng có thể là con dao hai lưỡi. “Cái mới của các nhiếp ảnh gia trẻ hiện nay là những chủ đề, những thông điệp họ truyền tải ngày càng rộng mở hơn, gần gũi cuộc sống đến mức bất ngờ. Thế nhưng, nếu sự sắp đặt quá gượng gạo, bất hợp lý chắc chắn sẽ làm hỏng cảm xúc người xem. Vì người thưởng lãm không chỉ xem những bức hình, mà qua đó, họ còn nhìn thấy cả tâm thế của người cầm máy”, Thuận khẳng định.
Bình luận (0)