Theo The Telegraph ngày 28.4, các chỉ huy quân sự Anh được cho là chịu áp lực phải bắt kịp Trung Quốc, Nga và Mỹ bằng cách phát triển loại vũ khí có khả năng di chuyển với tốc độ cao hơn Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh).
Kế hoạch phát triển tên lửa bội siêu thanh vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi. Cho đến nay, chưa có quyết định và thông tin cụ thể về việc tên lửa này sẽ được phóng từ đất liền hay trên biển.
Bộ Quốc phòng Anh nhấn mạnh loại vũ khí mới này phải được thiết kế và chế tạo hoàn toàn ở Anh với thời hạn triển khai muộn nhất vào năm 2030. Dự án được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết chi 2,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho ngân sách quốc phòng trong 6 năm tới.
Một nguồn tin quốc phòng của chính phủ Anh cho biết: "Những dự án tiên tiến như thế này chỉ có thể triển khai nhờ vốn đầu tư khổng lồ vào ngân sách đổi mới quốc phòng mà chính phủ Anh công bố trong tuần này".
Dự án được cho là tối quan trọng, được quản lý trực tiếp bởi Bộ Quốc phòng Anh ở Whitehall (London, Anh), thay vì một trong 3 lực lượng vũ trang nước này. Cuối năm ngoái, Bộ Quốc phòng Anh đã triển khai kế hoạch nhằm đưa ra các bản thiết kế khả thi, với sự tham gia của 80 công ty. Thỏa thuận khung phát triển năng lực và công nghệ bội siêu thanh đã được đưa ra vào tháng 12.2023 với chủ đích được mô tả là "sứ mệnh quốc gia".
Anh chê tên lửa bội siêu thanh 'vô song' Nga hiệu quả kém ở Ukraine
Các nguồn thạo tin tiết lộ việc chế tạo tên lửa sẽ đặc biệt khó khăn vì một số vật liệu cần thiết hiện chưa có sẵn, và Anh phải phát triển từ đầu để chịu được nhiệt độ cao đi kèm với tốc độ bội siêu thanh. Các kỹ sư cũng đang nghiên cứu một phiên bản động cơ "scramjet" (động cơ phản lực luồng tĩnh siêu âm) của riêng Anh, nhằm sử dụng khí nén chuyển động ở tốc độ siêu thanh để hỗ trợ quá trình đốt cháy nhiên liệu lỏng hoặc rắn.
Phía Bộ Quốc phòng Anh không bình luận chi tiết về sự phát triển năng lực tên lửa bội siêu thanh của với lý do an ninh quốc gia, nhưng xác nhận "Anh đang theo đuổi các công nghệ bội siêu thanh để phát triển hơn nữa khả năng tiên tiến. Anh sẽ tiếp tục đầu tư vào thiết bị nội địa để đối phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai".
Theo Sky News ngày 28.4, việc phát triển khả năng bội siêu thanh là một phần của trụ cột thứ 2 của quan hệ đối tác Mỹ - Anh - Úc (AUKUS).
Theo The Telegraph, Anh có thể mua tên lửa bội siêu thanh từ Mỹ nếu nước này có nhu cầu sở hữu loại khí tài này sớm hơn. Tuy nhiên, tháng trước, Mỹ chỉ mới thử thành công tên lửa hành trình bội siêu thanh, và hiện vẫn chưa có phiên bản sản xuất hàng loạt.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Ông James Black, trợ lý giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Rand Europe (Anh) nhận định tên lửa bội siêu thanh mang lại một số lợi ích quân sự nhất định, nhưng với khoản tiền đó Anh có thể nâng cấp tốt hơn cho các công nghệ hiện có. "Tên lửa bội siêu thanh được sản xuất chi phí cao và tiềm ẩn rủi ro dài hạn về mặt kỹ thuật. Nếu chúng được thử nghiệm thành công, thì Anh chỉ trang bị được một số lượng rất nhỏ loại khí tài này. Chính điều này đã đặt ra nghi vấn về việc liệu Anh có nên tăng kho dự trữ vũ khí chính xác và các loại đạn dược giá rẻ khác, thay vì sản xuất tên lửa bội siêu thanh ngốn quá nhiều nguồn lực hay không", ông nói.
Bình luận (0)