Theo CNN, khối lượng giao dịch chảy qua London rất lớn. Thành phố này xử lý các giao dịch có giá trị khoảng 1.500 tỉ USD hằng ngày, tương đương khoảng 75% tổng số các giao dịch cùng loại. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ lâu cho hay họ muốn các hoạt động tài chính phải diễn ra trong khối 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Giờ đây, khi Anh quyết “ly hôn” Liên minh châu Âu (EU), nhiều rủi ro thật sự xuất hiện.
London có các phòng thanh toán bù trừ lớn nhằm tạo thuận lợi cho việc giao dịch sản phẩm tài chính. Nơi lớn nhất là London Clearing House, nằm dưới sự điều hành của London Stock Exchange Group. London Clearing House giúp thị trường tài chính hoạt động bình thường thông qua hoạt động gọi là “thanh toán bù trừ đồng euro”.
Song đây là vấn đề: nước Anh chưa bao giờ sử dụng đồng tiền chung. Thay vào đó, họ gắn bó với bảng Anh. Đây luôn là điểm gây lấn cấn khi ECB cho rằng sự sắp xếp này tạo ra mối nguy lớn cho hệ thống tài chính nói chung.
Chuyên gia Uuriintuya Batsaikhan thuộc hãng chính sách Bruegel cho hay: “Vị trí của nơi thanh toán bù trừ là một vấn đề gây nhiều tranh cãi từ trước Brexit (tức Anh quyết định rời EU). Giờ đây khi Anh muốn đi, chuyện này sẽ không còn được giữ yên nữa”.
Chừng nào Anh còn là thành viên EU, ECB không thể buộc London “thất nghiệp”. Song hiện tại, Anh đang rục rịch rời đi, tất cả các khoản cược cho nước này không còn thuận lợi. Ông Batsaikhan nói: “Nó giống như phần lớn các giao dịch bằng đồng đô la Mỹ được thanh toán bù trừ ngoài nước Mỹ, điều này có thể gây ra vấn đề”.
Quan chức dịch vụ tài chính hàng đầu EU Valdis Dombrovskis cũng ám chỉ nhiều thay đổi tiềm năng trong một bài phát biểu trong tuần này. Ông vạch ra hai kịch bản. Thứ nhất, Anh có thể cho phép EU điều chỉnh chặt chẽ các thị trường nước này sau khi rời EU, đây là lựa chọn không có lợi cho chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May. Bà từng nói Anh hậu Brexit sẽ không còn chịu sự kiểm soát của Tòa án Tư pháp châu Âu.
Thứ nhì, EU có thể yêu cầu doanh nghiệp rời khỏi Anh, “tái định cư” ở các nước thuộc EU. Điều này đồng nghĩa với việc các phòng thanh toán bù trừ được đặt ở những nơi khác trong lục địa già phải mở rộng để xử lý khối lượng lớn cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm tài chính khác. Nếu kịch bản này xảy ra, London có thể chịu thiệt hại vì công ăn việc làm biến mất theo hoạt động thanh toán bù trừ.
Dù số người làm việc trực tiếp cho bốn phòng thanh toán bù trừ vốn xử lý phần lớn giao dịch ở châu Âu chỉ là vài trăm người, cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho hoạt động này rất lớn. Người đứng đầu Sở Giao dịch Chứng khoán London Xavier Rolet cho hay ít nhất 100.000 việc làm tại các ngân hàng, tổ chức tài chính đứng trước nguy cơ nếu hoạt động thanh toán bù trừ đồng euro rời London.
Hiện Anh đang tích cực vận động để giữ hoạt động thanh toán bù trừ ở lại. Miles Celic, CEO nhóm vận động hành lang TheCityUK, cho biết: “Việc buộc phải di dời hoạt động thanh toán bù trừ đồng euro sẽ gây ra sự gián đoạn, thiếu chắc chắn và làm phân mảnh thị trường”.
tin liên quan
Anh có thể bị mất 100.000 việc làmĐó là một trong những rủi ro lớn nhất của Anh sau khi nước này chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), theo Independent.
Bình luận (0)