Ánh Tuyết cho biết bà tên là Trần Thị Tiếc, song lúc làm giấy tờ lại ghi sai thành Trần Thị Tiết. Khi tham gia biểu diễn trong một đêm nhạc ở Hội An, nữ nghệ sĩ bất ngờ được nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ đặt cho nghệ danh mới. Ông giới thiệu trên sân khấu: “Bé Tiếc của chúng ta không còn là bé Tiếc nữa, mà là Ánh Tuyết”.
Từ đó, Ánh Tuyết trở thành nghệ danh, gắn liền với sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của nữ ca sĩ. “Sau này tôi có hỏi bố (cách gọi thân mật với nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ) tại sao lại đặt cho mình cái tên đó. Bố nói rằng giọng hát của tôi lấp lánh, có một cái ánh gì đó trong sáng nên bố mới đặt như vậy”, giọng ca 6X trải lòng.
Ca sĩ Ánh Tuyết nói bà đoạt được nhiều giải thưởng danh giá trong sự nghiệp âm nhạc, song mỗi lần thi xong bà đều trở về quê (Hội An) nên không ai biết. Điều đó khiến giọng ca Ô mê ly chán nản, thấy mình sống không nổi với nghề. Tuy nhiên, chính đêm nhạc riêng của nhạc sĩ Văn Cao đã giúp sự nghiệp của Ánh Tuyết có sự thay đổi lớn.
Nhớ lại thời điểm đó, Ánh Tuyết bộc bạch: “Tôi chỉ thuộc có mỗi bài Buồn tàn thu, nhưng không dám hát vì các nghệ sĩ đi trước thể hiện quá hay. Đêm đó tôi run lắm, toàn nghệ sĩ nổi tiếng còn tôi chỉ mới vào TP.HCM thôi. Lúc ra sân khấu, tôi nhìn bác Văn Cao mà sợ lắm”.
Ánh Tuyết kể thêm đến khi cất giọng: "Ai lướt đi ngoài sương gió", bà thấy gương mặt khán giả rạng rỡ hơn. Nhờ vậy nữ nghệ sĩ mới yên tâm để trình diễn. “Sáng hôm sau, tất cả các trang báo viết về tôi như một hiện tượng. Âm nhạc Văn Cao đã chắp đôi cánh để tôi đến gần với khán giả nhiều hơn. Chữ duyên trong âm nhạc quyết định số phận, chỗ đứng của người nghệ sĩ trong lòng công chúng rất lớn”, bà bày tỏ.
Ánh Tuyết chia sẻ những lần đầu gặp gỡ, bà ấn tượng với Văn Cao vì là người kiệm lời. Năm 1994, nữ nghệ sĩ có một buổi trò chuyện với nhạc sĩ và hiểu thêm về ông. “Lúc tôi muốn tìm hiểu về bài hát Trương Chi. Hai bác cháu ngồi suốt 3 tiếng đồng hồ. Nhạc sĩ đưa mắt nhìn ra cửa sổ. Khi tôi hỏi, nhạc sĩ Văn Cao chỉ nói 5 từ thôi: “Trương Chi là tôi đó”. Chỉ vậy thôi mà nước mắt tôi muốn trào ra”, Ánh Tuyết nghẹn ngào.
Nói thêm việc cảm nhận rõ về âm nhạc của Văn Cao, Ánh Tuyết thừa nhận: “Tôi từng gánh cơm ra bến đò, chợ cá để bán cùng má. Những ngày tháng đó cho tôi cảm nhận rất nhiều cuộc sống của mỗi người. Hiểu nhạc của Văn Cao thì tôi không đủ sức. Nhưng càng hát thì càng thấm được một chút. Tôi hiểu bằng cảm nhận riêng của mình thôi”.
Bình luận (0)