Tình trạng trên đang xảy ra tại TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng), gây bức xúc dư luận.
Điểm nóng đồi Cao
Sau nhiều ngày thuyết phục, ông V. - một người dân địa phương, thông thuộc địa bàn - đồng ý dẫn chúng tôi vào “điểm nóng” khai thác cao lanh (một loại đất sét màu trắng, chịu được nhiệt độ cao, dùng sản xuất đồ gốm sứ, vật liệu chịu lửa, vật liệu mài, sản xuất nhôm, giấy, xi măng trắng...) lậu tại xã Lộc Châu, cách trung tâm Bảo Lộc 7 - 8 km. Người dân địa phương thường gọi khu vực này là đồi Cao. Trước khi đi, ông V. cảnh báo: “Dù khai thác rầm rộ, lúc cao điểm có tới hàng chục xe nối đuôi nhau vào nhận hàng nhưng người lạ vào sẽ bị phát hiện ngay. Bởi trên các tuyến đường đều được bố trí tai mắt để kiểm soát người lạ và cơ quan chức năng. Vào đó không nên mang theo máy ảnh, máy ghi âm và phải theo hướng dẫn của tôi”.
|
Ông V. đưa chúng tôi tới thẳng các mỏ của ông D. nằm sâu trong ngọn đồi. Ông D., nhà ở Bảo Lộc, được dân trong giới coi là “trùm” khai thác cao lanh trái phép có tiếng ở vùng. Tuy nhiên, lúc chúng tôi tới thì không thấy mỏ hoạt động dù có nhiều máy xúc, xe tải chở hàng. Vài khuôn mặt lấp ló trong lều quan sát nhất cử, nhất động của người lạ ra vào. “Bị động rồi”, ông V. nói và ra hiệu đi tới công trường khác.
Lần theo vệt bánh xe, chúng tôi phát hiện nhóm người khác của ông D. đang khai thác cao lanh cách đó không xa. Điểm này nằm dưới chân đồi, sâu hun hút. Để đưa được máy xúc, máy ủi, xe vào vận chuyển hàng, nhóm người của ông D. phải bạt một phần quả đồi mở đường.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, mỏ mà ông D. đang khai thác nằm trên khu đất hàng chục héc ta của bà N.A, quê ở miền Tây, đã mua cách đây gần chục năm. Cách đây hơn 1 năm, bà N.A “hợp tác” với ông D. khai thác cao lanh. Thời điểm chúng tôi đến, công trường có hai máy xúc làm việc miệt mài, xúc cao lanh lên các xe tấp nập ra vào. Cao lanh sau khi khai thác được tập kết ở ngoài đường lớn Lê Thị Riêng cách đó chừng 1 km.
|
Khó bắt quả tang ?!
Theo một người dân ở gần khu vực đồi Cao, các công trường khai thác lậu cao lanh xả nước thải chảy tràn lan gây ô nhiễm môi trường, sạt lở, vùi lấp một số diện tích trồng chè của cư dân địa phương. “Muốn xe vào tận mỏ, vận chuyển cao lanh cần phải phá đồi, mở đường chứ không đơn giản. Vậy mà nhiều năm qua chính quyền cứ để những người khai thác lậu lộng hành”, ông này bức xúc.
Ông Vũ Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Lộc Châu, thừa nhận khu vực khai thác cao lanh lậu thuộc tiểu khu 472 (rộng hơn 100 ha) nằm ở thôn 1, 2, 4 của xã. Tuy vậy, ông Vân khẳng định việc khai thác này từ giữa năm 2016 trở về trước diễn ra thường xuyên nhưng thời gian gần đây, do chính quyền làm mạnh nên tình hình đã yên ắng!
“Các chủ khai thác viện lý do đào ao, chống hạn để đào lấy cao lanh. Thời gian gần đây, lãnh đạo TP.Bảo Lộc chỉ đạo thành lập 2 đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý khai thác cao lanh trái phép. Đoàn đã vào đồi Cao kiểm tra, phát hiện có hiện tượng đưa máy móc vào nhưng chưa khai thác", ông Vân nói.
Theo ông Vân, năm 2016, chính quyền xử phạt 6 trường hợp, chủ yếu là sử dụng đất sai mục đích và thường phạt 1,5 triệu đồng/trường hợp. Từ đầu năm 2017 đến nay, đoàn liên ngành xử phạt một trường hợp 3 triệu đồng vì có hành vi đưa máy vào san ủi.
|
Liên quan đến câu hỏi ông D. ngang nhiên đưa máy móc vào khai thác cao lanh trái phép như PV Thanh Niên ghi nhận ở trên, ông Vân cho biết trong chiều 25.4 đoàn liên ngành đến kiểm tra thấy có đưa máy móc vào chứ chưa khai thác nên không xử phạt được. “Không có chuyện chính quyền bảo kê đâu. Chúng tôi cũng làm hết sức mình. Có nhiều đêm khi được báo, đích thân tôi vào kiểm tra nhưng tới nơi thì tình hình lại yên ắng. Bản thân xã cũng muốn xử nghiêm chứ để lâu nhức đầu lắm”, ông Vân nói.
|
Trong khi đó, trả lời PV Thanh Niên chiều 26.4, ông Nghiêm Xuân Đức, Phó chủ tịch UBND TP.Bảo Lộc, cho biết trước tình hình khai thác cao lanh lậu ở xã Lộc Châu, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng và Bảo Lộc họp để có biện pháp giải quyết dứt điểm. “Nói chính quyền yếu kém là chưa đúng. Thường xuyên có đoàn kiểm tra nhưng vì lợi nhuận lớn nên đối tượng khai thác lậu dùng mọi thủ đoạn để đối phó. Lần này có sự chỉ đạo của UBND tỉnh, chắc chắn Bảo Lộc sẽ làm quyết liệt để chấm dứt việc khai thác lậu”, ông Đức cam kết.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện giá cao lanh loại 1 (25% cát) bán tại mỏ có giấy phép khoảng 400.000 đồng/tấn, loại 2 (50% cát) khoảng 200.000 đồng/tấn. Còn với khai thác lậu, do trốn thuế nên đối tượng khai thác sẵn sàng bán cao lanh loại 1 giá 300.000 đồng/tấn, loại 2 giá 150.000 đồng/tấn nhưng vẫn thu lợi lớn. Cao lanh sau khi khai thác sẽ được vận chuyển đi TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu... tiêu thụ.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng, cho biết việc khai thác cao lanh ở xã Lộc Châu, Sở TN-MT đã nhiều lần họp với UBND TP.Bảo Lộc để tìm cách giải quyết. “Thực tế có các hộ ở TP.Bảo Lộc và H.Bảo Lâm lợi dụng việc đào ao hồ rồi khai thác cao lanh. Theo luật Khoáng sản và chỉ thị của UBND tỉnh thì thẩm quyền xử lý việc khai thác lậu cao lanh thuộc UBND TP.Bảo Lộc, tuy nhiên tình hình cũng đang phức tạp”, ông Phúc nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định việc quản lý khoáng sản được UBND tỉnh giao cho chính quyền địa phương và Sở TN-MT. “Thời gian qua, do bận quá nhiều công việc nên tôi chưa sắp xếp để trở lại kiểm tra cụ thể việc quản lý và khai thác cao lanh tại xã Lộc Châu được. Tôi sẽ nhắc nhở và chấn chỉnh ngay việc khai thác cao lanh lậu mà Thanh Niên phản ánh”, ông S nói. (Lâm Viên)
|
Bình luận (0)