Ảo thuật Việt về đâu?

14/05/2012 09:18 GMT+7

Muốn gắn bó với ảo thuật, người làm nghề phải tự thân vận động khi Việt Nam chưa có trường lớp đào tạo chính quy, không có nơi biểu diễn ổn định. Hệ quả là sự nghèo nàn trong biểu diễn, tiết mục chắp vá, sao chép của nhau khiến bộ mặt ảo thuật Việt chưa rõ hình dạng.

Thiếu “sân chơi” đúng nghĩa

Họ đã sống tạm bợ nhờ diễn trong các chương trình “đại nhạc hội”, nhà hàng, quán bar, thậm chí các quán nhậu vỉa hè

Đến xem chương trình Gala ảo thuật 2012 được tổ chức tại Rạp Xiếc TPHCM (Công viên 23-9) từ ngày 11-5, nhiều khán giả đã xúc động trước lòng yêu nghề của các ảo thuật gia. Qua 4 suất diễn dưới sự hỗ trợ hết mình của Đoàn Xiếc TPHCM, cuộc hội ngộ của các nghệ sĩ ảo thuật nổi tiếng là hội viên Hội Ảo thuật gia quốc tế - IBM (Intenational Brotherhood Magicians) đang hoạt động tại TPHCM và các tỉnh, thành trong cả nước đã được công chúng đón nhận. Dù lượng vé bán không nhiều nhưng đây là dịp hiếm hoi để các ảo thuật gia gắn bó với nghề quy tụ trên một sàn diễn.

Ảo thuật Việt về đâu?
NSƯT Ngọc Ánh và Thu Huyền với tiết mục xuyên kiếm qua cổ 

Lên tiếng sau 14 năm

 

Vĩnh biệt nhà ảo thuật “gạo cội”

Sự ra đi đầy thương tâm của nhà ảo thuật Tony Quang - Chủ nhiệm Chi hội Xiếc, Ảo thuật Hội Sân khấu TPHCM - do bệnh ung thư ngay khi gala ảo thuật tại TPHCM đang diễn ra đã khiến hầu hết anh em ảo thuật gia đau buồn. Một tên tuổi lớn của làng ảo thuật Việt Nam lừng lẫy với nhiều tiết mục được xem là ấn tượng và được đồng nghiệp kính nể đã vĩnh viễn ra đi.

Vào nghề từ dịp ông được gia đình đưa sang Pháp du học khi lên 9 tuổi, do yêu thích nhà ảo thuật Tony Jaccollte, ông đã nuôi mộng trở thành nhà ảo thuật. Năm 1965, khán giả Sài Gòn ngày ấy đã biết đến tên Tony Quang khi ông vượt qua những trò đơn thuần chỉ đòi hỏi sự tinh mắt, khéo tay để tiến dần đến những trò ảo thuật phải đầu tư mà trò cưa cô gái làm ba khúc là một tiết mục trình diễn ấn tượng khẳng định tên tuổi Tony Quang lúc bấy giờ.

Với họ, dù gala này chưa phải là sân chơi đúng nghĩa để giới thiệu sự phát triển không ngừng của ảo thuật Việt nhưng “có còn hơn không, khi ảo thuật Việt im hơi, lặng tiếng suốt 14 năm qua” – nhà ảo thuật David Hùng bùi ngùi.

Còn với nhà ảo thuật Nguyễn Khuyến (nhạc sĩ Bảo Thu, thành viên Hội đồng Giám khảo Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 1-2008), người cố vấn chương trình Gala ảo thuật 2012, cho biết: “Nhiều năm rồi, gần 60 nhà ảo thuật Việt có tên tuổi tại Việt Nam và được IBM công nhận mới có dịp tái ngộ khán giả TPHCM. Họ đã sống tạm bợ nhờ diễn trong các chương trình “đại nhạc hội”, nhà hàng, quán bar thậm chí diễn ở quán nhậu vỉa hè, khi ảo thuật còn bị xem là tiết mục phụ, chỉ để lấp khoảng trống cho các ca sĩ ngôi sao trong các chương trình văn nghệ. Những ai yêu nghề ảo thuật đều không khỏi chạnh lòng vì họ chưa có sân chơi đúng nghĩa để cống hiến hết tài năng của mình”.

Vào bên trong hậu trường Gala ảo thuật 2012 mới chứng kiến những hình ảnh xúc động của các ảo thuật gia. Ông bầu Duy Ngọc - người từng tổ chức nhiều chương trình ảo thuật xuyên Việt - nhạc sĩ Bảo Thu, nghệ sĩ Tòng Sơn đã nhiều năm rồi mới gặp lại các học trò, đàn em mà tuổi đời cũng đã ngoài 50. Và  từ sau Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 1-2008 tổ chức tại Hà Nội, đến nay họ mới có điều kiện gặp gỡ, thăm hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Trong niềm vui mừng, có cả những giọt nước mắt ngậm ngùi, luyến tiếc. Bởi đã qua rồi cái thời ảo thuật được xem là tiết mục “đinh” của các đêm diễn.

Với họ, 8 suất diễn tại TPHCM (từ ngày 11 đến 20-5) sẽ là bước đệm nhằm chuẩn bị tiến tới Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 2 – 2012 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức vào tháng 12-2012 tại thủ đô Hà Nội. “Tuy nhiên, điều chúng tôi cần chính là một sân chơi đúng nghĩa để anh em nghệ sĩ ảo thuật có nơi sinh hoạt, làm nghề, thi thố tài năng trước khi nói đến tranh tài tại liên hoan cấp quốc gia” - nhà ảo thuật Taylor (Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh - Bình Thuận) nói.

Vẫn làm những trò vặt

Tham gia gala lần này, sự có mặt của các ảo thuật gia: Kao Long, Hoàng Lang, David Hùng, Taylor, Thu Huyền, Ngọc Ánh… đã có những tiết mục biểu diễn cuốn hút người xem. Họ đều đã trải qua ít nhất 10 năm trong nghề, nên 2/3 tiết mục họ giới thiệu trong gala này là những tiết mục tự sáng chế, có tính độc đáo và tạo ấn tượng, như: người chui vào thùng đâm kiếm; nhiều thiếu nữ xuất hiện trong một chiếc tủ nhỏ; vải biến thành ô đủ màu sắc…

Thế nhưng, qua đôi mắt nhà nghề của ảo thuật gia Nguyễn Khuyến:  “Tất cả đều là những trò cũ, được cấu trúc lại, thêm vài tiểu tiết để trình diễn. Vì lâu nay không có sân chơi chuyên nghiệp, anh em đều phải kiếm sống khắp nơi nên không thể đòi hỏi họ sáng tạo những tiết mục lớn do tiền đầu tư quá cao, lại không thể vận chuyển cơ động”.

Ảo thuật Việt từ thập niên 70 thế kỷ trước đã có những tên tuổi lừng lẫy, tạo được dấu ấn đối với khán giả trong và ngoài nước: Nguyễn Thành Long, Nguyễn Khuyến, Tony Quang, NSƯT Nguyễn Đức Trường (tức Z27), Nguyễn Kim, Thanh Trúc, Ngọc Phước, Hoàng Biếu, Lê Hảo Tâm (anh trai nhà văn - nghệ sĩ hài Mạc Can)… Nhưng đến nay, khi thế hệ vàng của ảo thuật sắp lui vào dĩ vãng, vẫn chưa có thế hệ tiếp nối và viễn cảnh của bộ môn nghệ thuật giải trí này xem ra còn quá mịt mờ.

Theo Người Lao Động

>> Câu lạc bộ ảo thuật gia
>> Ảo thuật gia Tony Quang: “Mong ảo thuật không bị coi là diễn... ké !”
>> Khi thủ lĩnh Đoàn là ảo thuật gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.