Trả phí hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm
Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.7, trong đó quan trọng nhất là thúc đẩy chữ ký số cá nhân trong các giao dịch thanh toán điện tử. Góp ý cho Dự thảo nghị định về chữ ký điện tử với quy định khách hàng (doanh nghiệp (DN) và cá nhân) phải thanh toán các khoản phí để được cấp, duy trì hiệu lực của chữ ký số, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (NH) VN (VNBA), cho rằng: Chữ ký điện tử là văn minh, đảm bảo an toàn nhưng nếu áp dụng chữ ký điện tử cho tất cả các giao dịch trong NH thì khách hàng DN và cá nhân phải thanh toán các khoản phí để được cấp, duy trì hiệu lực của chữ ký số với số tiền vô cùng lớn. Khi người dân và DN giao dịch với NH như nhận tiền tiết kiệm, nhận tiền gửi, cấp tín dụng, giao dịch ngoại tệ… trên môi trường điện tử đều yêu cầu có chữ ký điện tử. Khách hàng phải mua chữ ký số của các tổ chức cung cấp chữ ký số công cộng và áp dụng vào các giao dịch trực tuyến.
VNBA cho biết hiện có khoảng gần 80% người VN trưởng thành có tài khoản NH và nhiều NH đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Mức chi phí khảo sát chữ ký số của các dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) trên thị trường hiện từ 550.000 đến 1,8 triệu đồng/năm; còn nếu mua chữ ký số theo giao dịch là 2.500 đồng/lần ký. Như vậy, một NH thương mại có vốn nhà nước có số lượng khách hàng giao dịch trên kênh số ước khoảng 12 triệu khách hàng, số lượng giao dịch 6,5 - 7 triệu giao dịch/ngày (cả năm khoảng 2,3 tỉ giao dịch) thì mỗi năm khách hàng của NH này phải chi trả cho nhà cung cấp chữ ký số (CA Provider) từ 6.600 - 21.600 tỉ đồng.
Hay một NH cổ phần khác có khoảng 10,2 triệu khách hàng thì với mức phí trung bình 800.000 đồng/chữ ký số, tương đương khách hàng phải chi khoảng 8.160 tỉ đồng. Còn nếu mua chữ ký theo từng lần giao dịch thì với 750 triệu giao dịch phát sinh trong năm, số tiền mà khách hàng phải trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ là 1.875 tỉ đồng.
Đó là chưa kể các chi phí khác phát sinh liên quan đến đầu tư hạ tầng, phát triển, vận hành hệ thống nội bộ của NH và trang cấp chứng thư số cho cán bộ trong nội bộ. Chi phí sửa đổi các hệ thống để có thể tích hợp việc sử dụng chữ ký số cũng như lưu trữ các giao dịch đã thực hiện dự kiến sẽ trên 10 triệu USD. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay mới tính sơ bộ một vài NH đã ra con số mà khách hàng phải trả hằng năm lên hàng ngàn tỉ đồng, còn nếu tính cả hệ thống NH thì con số này rất lớn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khách hàng.
Ngoài ra, theo VNBA, quy định này sẽ không đáp ứng tính kịp thời trong việc cung cấp chứng từ, chứng cứ chứng minh khi phát sinh khiếu nại, tranh chấp với khách hàng. Hệ thống bảo mật, xác thực của các bên cung cấp chữ ký số cũng chưa có các đánh giá được mức độ tương thích với hệ thống bảo mật, xác thực giao dịch, xác thực khách hàng của từng NH, dẫn đến tình trạng cùng một giao dịch khách hàng có thể phải xác thực một số lần, giảm rất nhiều trải nghiệm của khách hàng, tăng thời gian giao dịch và gây cản trở việc thúc đẩy chuyển đổi số.
Hơn nữa, hoạt động giao dịch của NH phụ thuộc hoàn toàn vào một hoặc một vài tổ chức thứ ba về cung cấp chữ ký số công cộng gây rủi ro rất lớn. "Liệu các tổ chức này có đảm bảo độ bảo mật, sức tải của hệ thống cấp và ký số...; có đảm bảo thông suốt an toàn với số lượng giao dịch vô cùng lớn, hàng tỉ, chục tỉ giao dịch/năm (trung bình 500 giao dịch/giây)? Ai sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả này khi các giao dịch bị chậm trễ hoặc ngừng trệ? Điều này ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống người dân, DN và của chính NH. Hiện tại trên thị trường mới có trên 10 đơn vị cung cấp chữ ký số an toàn, như vậy cũng đồng nghĩa với việc khả năng cao một tổ chức cung cấp chữ ký số công cộng sẽ quá tải, tiềm ẩn rủi ro hệ thống, kéo theo các hệ lụy trong quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ", ông Nguyễn Quốc Hùng đặt vấn đề.
Xem xét ứng dụng chữ ký số trong chuyển khoản
Đồng tình với những phân tích từ VNBA, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng trong thời buổi phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thì mọi thanh toán, chuyển khoản qua NH càng gia tăng, áp dụng chữ ký số cũng dễ dẫn đến tình trạng quá tải. Vừa rồi NH áp dụng sinh trắc học trong chuyển khoản, sắp tới yêu cầu chữ ký số thì liệu giao dịch có nhanh hay không, có làm giảm các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt hay không?
Thừa nhận chữ ký số là cần thiết trong chuyển đổi số giai đoạn tới nhưng ông Trần Xoa cho rằng những năm qua, người dân còn gặp nhiều khó khăn nên việc ứng dụng chữ ký số trong thanh toán cần cân nhắc và có lộ trình phù hợp, có thể lùi lại 1 - 2 năm nữa hãy thực hiện trong thanh toán điện tử. Chưa kể, chi phí cho mỗi chữ ký số hiện nay còn cao. Trước đây, các đơn vị cung cấp chữ ký số chủ yếu cho các DN nên mới có mức phí từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nhằm đảm bảo duy trì hoạt động. Trong thời gian tới, khi mỗi cá nhân có một chữ ký số thì lượng chữ ký số gia tăng lên rất nhiều. Chính vì vậy các đơn vị cung cấp chữ ký số cần giảm chi phí cung cấp dịch vụ. Đồng thời số lượng công ty cung cấp chữ ký số cũng tăng lên nhằm tránh quá tải.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) nói thẳng, hệ thống NH đã yêu cầu khách hàng đăng ký sinh trắc học nhằm đảm bảo an toàn trong giao dịch, nên nếu áp dụng thêm chữ ký số nữa thì hơi thừa. Đặc biệt, chữ ký số tính phí nên sẽ phát sinh thêm phí khi khách hàng giao dịch. "Theo tôi, trong hoạt động NH, nhất là các giao dịch chuyển khoản, không nên áp dụng chữ ký số vì làm cho giao dịch không được tiện lợi. Chữ ký số chỉ nên thực hiện trong các hợp đồng vay trực tuyến để tăng tính pháp lý", ông Huân kiến nghị.
Luật giao dịch điện tử đã mở ra hướng tạo điều kiện cho người dân được quyền lựa chọn các hình thức, trong đó có chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn. Khi người dân có mức thu nhập cao hơn, nhận thức và thấy rằng cần thiết phải có 1 chữ ký số cho riêng mình thì tự họ sẽ lựa chọn và quyết định, các quy định dưới luật không nên áp đặt để tăng chi phí cho người dân và DN.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng VN
Bình luận (0)