Bí thư Hà Nội:

'Áp dụng cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn về vật liệu cho Vành đai 4'

12/09/2023 21:04 GMT+7

Trước thực trạng nguồn cung đất, cát đắp phục vụ thi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô đang gặp nhiều khó khăn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo các cơ quan tập trung cao độ, giải quyết theo cơ chế đặc thù được Quốc hội và Chính phủ cho phép để bảo đảm tiến độ thi công.

Chiều 12.9, tại buổi giao ban Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô, ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội, cho biết dù đang gặp nhiều khó khăn, song các dự án thành phần và các nhiệm vụ trong dự án đang được các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện khẩn trương, đồng bộ ở tất cả các khâu.

'Áp dụng cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn về vật liệu cho Vành đai 4'   - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì cuộc giao ban chiều 12.9

KHẮC HIẾU

Tuy nhiên, theo ông Cường, khó khăn chủ yếu ảnh hưởng đến tình hình thi công dự án là nguồn vật liệu đất, cát. Đây là tình trạng chung đang diễn ra trên cả nước vì những vướng mắc về cơ chế, tiêu biểu như dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các dự án khu vực ĐBSCL...

Đến nay, đơn vị tư vấn đã khảo sát tổng số 17 mỏ đất với tổng trữ lượng 57,24 triệu m3, bao gồm 3 mỏ tại Hà Nội, 6 mỏ tại Hòa Bình, 4 mỏ tại Vĩnh Phúc và 4 mỏ tại Thái Nguyên. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội hiện nay chưa có mỏ đất có giấy phép cấp cho các dự án xây dựng. Hiện, các nhà thầu mới chỉ sử dụng vật liệu từ nguồn thương mại bao gồm 12 mỏ đất đắp và cát đắp (không có mỏ nào thuộc địa bàn Hà Nội).

Đặc biệt, đến nay chưa có mỏ vật liệu nào được thực hiện theo cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Trong khi đó, nguồn vật liệu thương mại do vận chuyển xa nên giá quá cao so với đơn giá nhà nước.

Kết luận chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng giao Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung cao độ hoàn thành các thủ tục cần thiết để lập danh mục các mỏ vật liệu đất, cát đắp trên địa bàn thành phố. Danh mục này bao gồm các mỏ đã có, đã giao và các mỏ mới bảo đảm trữ lượng.

Bên cạnh đó, đơn giản hóa, rút ngắn tối đa các thủ tục, áp dụng cơ chế đặc thù cho phép chỉ định khai thác theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

"Đây là việc làm cấp thiết để bảo đảm vừa tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, hạ giá thành, vừa đáp ứng ổn định, lâu dài nhu cầu vật liệu thi công", ông Đinh Tiến Dũng nói, đồng thời yêu cầu thời hạn tập trung hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ này là trong tháng 9.

Tiếp tục chỉ đạo, Bí thư Hà Nội yêu cầu đối với các mỏ đất, cát cần điều chỉnh quy hoạch khoáng sản để đưa vào khai thác, UBND TP.Hà Nội phải triển khai thực hiện ngay để kịp trình Thường trực HĐND TP.Hà Nội hoặc trình tại kỳ họp HĐND thành phố trong tháng 9, bảo đảm đầy đủ tính pháp lý.

Ngoài ra, Bí thư Đinh Tiến Dũng còn lưu ý phải tính toán trữ lượng vật liệu đủ cung cấp cho toàn tuyến, bảo đảm giá thành hợp lý. Đề nghị giao Công an TP.Hà Nội vào cuộc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc thực hiện pháp luật về khai thác khoáng sản tại các mỏ cát, mỏ đất trên địa bàn thành phố; kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm...

Dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, bao gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Trong đó, đoạn trên địa bàn Hà Nội khoảng 58,2 km (qua địa bàn 7 quận, huyện: Hà Đông, Thanh Oai, Đan Phượng, Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín, Hoài Đức); đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3 km và đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3 km.

Qua khảo sát, nhu cầu vật liệu phục vụ dự án thành phần 2.1 và dự án thành phần 3 trên địa phận Hà Nội là hơn 1,8 triệu m3 đất đắp nền K98 và đất đắp bao; hơn 5,5 triệu m3 cát đắp nền K95 và cát xử lý đất yếu.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.