Là người hoạt động hơn 45 năm ở các tập đoàn quốc gia, kinh nghiệm 13 năm sống và làm việc tại Việt Nam, ông David Riddle - Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP) đã có những chia sẻ về nội dung này.
Kinh tế tuần hoàn - mô hình tăng trưởng phát triển bền vững, dài hạn
Nhiều tập đoàn đang tích cực chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính truyền thống sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) bền vững để bảo vệ môi trường. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của các tập đoàn làm KTTH như thế nào?
Ông David Riddle: Theo quan điểm của tôi, thành công của nền KTTH xoay quanh việc giảm thiểu đầu vào cho sản phẩm và quy trình sản xuất, sau đó sẽ giảm lượng đầu ra khổng lồ mà chúng ta cần tái chế.
Một thương hiệu đã áp dụng cách tiếp cận phù hợp để giảm thiểu các đầu vào không cần thiết ngay từ đầu là Clinique thuộc sở hữu của Estee Lauder Companies, một công ty gia đình được thành lập tại Mỹ vào năm 1946, trở thành một công ty đại chúng vào năm 1995 và ngày nay là một tập đoàn toàn cầu sở hữu nhiều thương hiệu mang tính biểu tượng. Một trong những người sáng tạo ra Clinique chính là biên tập viên huyền thoại của tạp chí Vogue, Carol Phillips, người luôn có triết lý "ít hơn là nhiều hơn". Bà là người có công trong việc tạo ra Clinique, một thương hiệu thành công nhưng tối giản, bằng cách không sử dụng các vật liệu bao bì không cần thiết trừ khi thực sự phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngày nay, việc áp dụng cách tiếp cận đơn giản này sẽ thúc đẩy đáng kể những nỗ lực của chúng ta trong việc bảo tồn các nguồn tài nguyên toàn cầu mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ, đồng thời giúp đạt được một nền KTTH dễ dàng hơn. KTTH hiện đang là xu hướng trên thế giới, nhiều tập đoàn đang chuyển đổi sang mô hình này.
Xin ông cho biết KTTH tại THP khởi nguồn từ đâu?
Chúng ta đang chứng kiến sự cạn kiệt của tài nguyên trên toàn cầu và ở Việt Nam, vấn đề này thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Ô nhiễm môi trường, quản lý rác thải đang là những vấn đề nhức nhối. Chúng ta đối diện những thách thức rất lớn và nền KTTH được đưa ra như một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề đó.
Ở THP, chúng tôi coi việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, và mỗi người đều có nghĩa vụ giữ gìn môi trường sống tốt đẹp cho những thế hệ sau này. Mục tiêu chính của chúng tôi là việc giảm thiểu tác động tới môi trường và tối đa hóa đóng góp của tập đoàn với xã hội. Đó là lý do từ cách đây 10 năm, THP đã triển khai mô hình 3R về giảm thiểu chất thải (Reducing waste), tái sử dụng (Reusing) và tái chế (Recycling) như một phần trong chiến lược phát triển bền vững của mình.
Hướng đi này không chỉ phản ánh giá trị cốt lõi của công ty chúng tôi mà còn là một quyết định kinh doanh hợp lý hướng tới mô hình tăng trưởng phát triển bền vững, dài hạn.
Ông có thể cho biết đến thời điểm hiện nay, THP đã có những kết quả gì?
THP sớm đã nhận ra rằng việc thực hiện các nguyên tắc KTTH là cách quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng và mang lại lợi ích lâu dài cho xã hội. Do vậy chúng tôi đã đi tiên phong trong việc áp dụng "mô hình 3R". Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi đã đầu tư những công nghệ tiên tiến bậc nhất trong đó có dây chuyền công nghệ sản xuất đồ uống chiết lạnh vô trùng Aseptic từ Tập đoàn GEA Procomac - Đức để đạt được các mục tiêu bao gồm hiệu quả kinh tế và tính tuần hoàn tối đa.
Công nghệ vô trùng Aseptic đảm bảo mang lại chất lượng sản phẩm và lợi ích dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng trong khi vẫn duy trì các yêu cầu vô trùng nghiêm ngặt. Nó cũng giúp THP giảm thiểu tối đa lượng nhựa được sử dụng trong sản xuất bằng cách giảm trọng lượng của chai nhựa.
Năm 2013, THP đã triển khai dự án làm nhẹ chai, trong đó trọng lượng của mỗi chai giảm xuống gần 20%. Đồng thời nhờ đầu tư vào công nghệ Aseptic, tập đoàn cũng có thể giảm hao hụt trong quá trình sản xuất và giảm cả điện và nước sử dụng.
5 năm sau, THP tiếp tục giảm trọng lượng chai xuống nhiều hơn nữa, cùng với đó là lượng rác thải nhựa giảm 34.000 tấn. Trong 4 năm tiếp theo tính đến năm 2023 mức giảm là 44.000 tấn, như vậy tổng cộng 78.000 tấn rác thải nhựa đã được loại bỏ trong khoảng thời gian 9 năm này. Các biện pháp quan trọng khác được thực hiện theo "mô hình 3R" tại THP bao gồm tái chế và tái sử dụng màng co nhựa và túi nhựa do công ty sản xuất làm túi đa năng để đựng phôi, nắp và làm túi đựng rác. Chúng tôi cũng đã ngừng sử dụng hộp carton và thay thế bằng màng co làm từ nhựa do chính công ty chúng tôi tái chế.
Năm 2021, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với sự hỗ trợ quý giá của các đối tác và chuyên gia trong ngành, chúng tôi đã lắp đặt và đưa vào vận hành một số dây chuyền tái chế nhựa. Dây chuyền tái chế này sản xuất ra pallet nhựa và hạt nhựa HDPE tái chế từ phế liệu nhựa để sử dụng trong chính các nhà máy của THP, đồng thời trong tương lai có thể cung ứng cho những đơn vị muốn thay thế nguyên liệu đầu vào sản xuất của họ bằng nguyên liệu tái chế.
Sau 10 năm triển khai mô hình 3R, từ 2013-2022, THP đã nhận thấy một số lợi ích đáng kể, cả trong việc đạt được các mục tiêu của nền KTTH và các lợi ích kinh tế cụ thể. Các tính toán cho thấy mức giảm mà tập đoàn đã đạt được trong việc sử dụng vật liệu nhựa nguyên sinh có nguồn gốc từ dầu mỏ tương đương với việc giảm hơn 147.420 tấn khí nhà kính trong 9 năm qua.
THP đã được hưởng lợi rất nhiều từ quyết định triển khai "mô hình 3R" cách đây 10 năm. Lợi ích không chỉ về hiệu quả hoạt động của tập đoàn mà có lẽ quan trọng hơn cả là hiệu quả trong việc đạt được nền KTTH. Ví dụ, các tính toán của chúng tôi cho thấy mức giảm mà tập đoàn đã thực hiện trong 9 năm qua trong việc sử dụng vật liệu nhựa nguyên sinh có nguồn gốc từ dầu mỏ tương đương với việc giảm hiệu quả hơn 147.420 tấn khí nhà kính.
Ý tưởng lớn đều bắt đầu từ một bước nhỏ và mỗi chúng ta đều có thể tạo ra sự khác biệt
Việc áp dụng mô hình KTTH đã giúp THP như thế nào trong hoạt động kinh doanh? Có tiết giảm được chi phí sản xuất kinh doanh hay không thưa ông?
Việc triển khai mô hình KTTH đã mang lại hiệu quả trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh cho THP qua việc thúc đẩy đổi mới quy trình, phát triển sáng tạo, tiết kiệm nguồn lực đầu vào, giảm hao hụt trong quá trình sản xuất…
Bên cạnh đó, chúng tôi nỗ lực và kiên trì triển khai KTTH vì hướng tới những lợi ích dài hạn khác.
Chúng tôi tin rằng việc áp dụng mô hình KTTH và khuyến khích phát triển bền vững sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh của công ty. Chúng tôi nhận thấy các đối tác kinh doanh tiềm năng ngày càng đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt về tính bền vững và chỉ chọn hợp tác với những công ty có thể đáp ứng được những yêu cầu đó. Với việc tiếp tục áp dụng các nguyên tắc KTTH, THP có thể đáp ứng những yêu cầu này và trở thành đối tác ưa thích của nhiều doanh nghiệp hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với chúng tôi trong việc đạt được tầm nhìn trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu châu Á.
Việc áp dụng mô hình KTTH còn giúp chúng tôi đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi có xu hướng xem xét các thông tin về môi trường của công ty trước khi mua sản phẩm của công ty đó. Nhu cầu của họ đang gây áp lực ngày càng lớn lên các doanh nghiệp và thúc đẩy họ phải thay đổi. Các công ty đáp ứng được kỳ vọng của người tiêu dùng về tính bền vững và nền KTTH sẽ được ưa chuộng hơn và kết quả là sản phẩm của họ có nhu cầu cao hơn.
Với kinh nghiệm 45 năm quản lý, trong đó có 13 năm sống và làm việc tại Việt Nam, theo ông cơ hội để tăng cường triển khai nền KTTH trong tương lai tại Việt Nam có bền vững?
Việt Nam đang là một quốc gia có tốc độ cao trong việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hầu hết các hiệp định này đều có các quy định, thỏa thuận về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Đây là tiền đề để thúc đẩy Việt Nam tăng tốc chuyển đổi sang mô hình KTTH.
Khi áp dụng các nguyên tắc KTTH, các công ty Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm thực tế của các công ty đa quốc gia bằng cách nắm bắt các cơ hội hợp tác trong sản xuất và phát triển sản phẩm.
Hiện nay, Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận của KTTH như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy, mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ…
Ở cấp chính phủ, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là trọng tâm trong việc xác định mục tiêu, trách nhiệm và giải pháp hành động cho các doanh nghiệp trong vài năm qua. Theo đó, KTTH đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, KTTH là một cách tiếp cận có hệ thống và bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc về thể chế, chính sách, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, cơ chế vận hành, thị trường… Do đó cần có chiến lược và kế hoạch hành động ở tầm quốc gia, với sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của các chủ thể trong nền kinh tế.
KTTH là một chủ đề quan trọng đối với tất cả chúng ta. Hiện đang mở ra những cơ hội to lớn để các tập đoàn đa quốc gia, THP và các thương hiệu nội địa khác tại Việt Nam học hỏi những bài học quý giá từ kinh nghiệm của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.
Tại THP, chúng tôi tiếp tục truyền thông tới cộng đồng và các bên liên quan tại địa phương về lợi ích của tính bền vững và nền KTTH để giúp mọi người hiểu rằng tất cả các ý tưởng lớn đều bắt đầu từ một bước nhỏ và mỗi chúng ta đều có thể tạo ra sự khác biệt.
Bình luận (0)