'Áp dụng tiêu chuẩn PCCC của châu Âu chưa thực tế ở nước ta'

27/06/2024 16:42 GMT+7

Đại biểu Phạm Văn Hòa dẫn phản ánh cho rằng tiêu chuẩn kỹ thuật PCCC hiện nay còn quá khắt khe, nên có sự phân biệt giữa các loại hình, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Chiều 27.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Nhiều nội dung về công tác phòng cháy được các đại biểu quan tâm, nhất là trong bối cảnh hàng loạt vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra thời gian qua.

'Áp dụng tiêu chuẩn PCCC của châu Âu chưa thực tế ở nước ta'- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa

GIA HÂN

"Quy định chung một quy chuẩn, tiêu chuẩn xem ra chưa hợp lý"

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) dành thời gian nói về các quy định liên quan đến thẩm định thiết kế PCCC, tiêu chuẩn, kỹ thuật PCCC nêu trong dự thảo.

Ông Hòa nói, quy định về những vấn đề trên là cần thiết, nhưng theo phản ánh của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thì như vậy là quá khắt khe, "áp dụng theo tiêu chuẩn của châu Âu, chưa thực tế ở nước ta".

Những ý kiến này cho rằng thiết kế tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC ở các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh hiện cần vốn đầu tư rất cao; nếu không đúng tiêu chuẩn sẽ không được thẩm định, cấp giấy phép đủ điều kiện để sản xuất, kinh doanh.

Vị đại biểu Đồng Tháp cho hay, các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng thời thời gian qua thường xảy ra ở các thành phố lớn, tại các khu dân cư xuống cấp, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, nhà trọ mini, nhà trong ngõ nhỏ hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh chất dễ cháy…

Từ thực tiễn trên, ông Hòa đề nghị cần có sự phân biệt các loại hình, cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy nổ thì quy định khắt khe; cơ sở ít xảy ra cháy, dễ dàng chữa cháy thì quy định ở mức phòng cháy an toàn; cơ sở khác thì chỉ cần có dụng cụ chữa cháy.

"Có như thế mới giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân… Chứ quy định chung một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xem ra chưa hợp lý", ông Hòa nói.

Vẫn theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, dự thảo quy định hộ gia đình trong phạm vi khả năng điều kiện tự trang bị phương tiện PCCC. Ông Hòa cho rằng điều này sẽ dễ bị lạm dụng, bởi đang có hiện tượng "cán bộ chuyên trách đến hộ gia đình, khu dân cư động viên mua dụng cụ chữa cháy".

Ông Hòa nhận định, việc trang bị phương tiện PCCC là cần thiết cho những nơi dễ cháy, khó chữa cháy kịp thời, còn những nơi thuận lợi, dễ chữa cháy thì không nhất thiết. "Việc này chỉ có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh dụng cụ cứu hoả, tiêu tiền người dân. Người dân tự trang bị dụng cụ chữa cháy là nhu cầu, chỉ nên khuyến cáo", ông Hòa nói.

'Áp dụng tiêu chuẩn PCCC của châu Âu chưa thực tế ở nước ta'- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh

GIA HÂN

Đề xuất trang bị máy cắt sắt cầm tay cho cảnh sát PCCC

Cùng cho ý kiến, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) phản ánh nhiều người tử vong trong các vụ cháy do không thể thoát nạn, vì thế ông đề nghị cần quy định một chương riêng về nội dung này.

Các quy định sẽ tập trung vào trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác thoát nạn ở các không gian, vị trí, hoàn cảnh khác nhau (nhà riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh, chung cư cũ, karaoke…).

Vẫn theo ông Cảnh, tại nhiều quốc gia, khi có tình huống khẩn cấp, cháy nổ, họ thường điều động cùng lúc cả 3 lực lượng công an, cảnh sát chữa cháy và y tế. Việt Nam tuy chưa đủ điều kiện để làm việc này trong mọi trường hợp cháy nổ, nhưng luôn có sẵn lực lượng y tế cơ sở, nếu sớm có mặt sẽ giúp ích rất nhiều cho nạn nhân.

Vị đại biểu đề nghị bổ sung quy định khi phát hiện cháy thì đơn vị y tế cơ sở nhanh chóng điều động người đến nơi xảy ra cháy để phục vụ cấp cứu người bị nạn mà không cần yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy.

Một vấn đề nữa được ông Cảnh đề cập, đó là trang bị cho lực lượng chữa cháy dụng cụ cắt sắt cầm tay dùng pin sạc cho cảnh sát PCCC. Dụng cụ này gọn nhẹ hơn rìu cứu nạn, xà beng hoặc búa tạ, kìm cộng lực…, giúp cắt khung sắt (nhất là nhà cơi nới, chuồng cọp) nhanh hơn rất nhiều.

Đồng thời, vị đại biểu đề xuất nghiên cứu trang bị mô tô chữa cháy cho các lực lượng chữa cháy.

Ông Cảnh lấy ví dụ Hà Nội đang có kế hoạch lắp đặt các trụ nước chữa cháy ở hẻm nhỏ, trụ nước này kết hợp với mô tô chữa cháy sẽ nâng cao hiệu quả chữa cháy ở các nơi mà phương tiện chuyên dụng không tiếp cận được hoặc tới chậm.

Với những địa phương chưa có kế hoạch làm các trụ cấp nước chữa cháy trong hẻm nhỏ, ông Cảnh gợi ý có thể mỗi 200 m sẽ trích ra một đầu cấp nước chữa cháy từ nguồn nước cấp bên ngoài nhà dân để phục vụ chữa cháy cho xe mô tô chữa cháy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.