Áp lực khi đi làm, là bạn hay thù?

07/11/2024 04:33 GMT+7

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều người lao động rơi vào trạng thái chán nản, mệt mỏi, khủng hoảng trượt dài vì những áp lực công việc không có hồi kết. Trong bối cảnh này, áp lực có thật sự tạo ra kim cương hay không?

Chúng tôi đã thực hiện một khảo sát với 10 người lao động trong độ tuổi từ 22 - 35 với câu hỏi “Bạn có thường xuyên gặp áp lực trong công việc không?". Đa số họ đều trả lời rằng thường xuyên gặp áp lực, thậm chí là mỗi ngày. 

Đối với một số người lao động, áp lực là động lực thúc đẩy tiến bộ và trưởng thành. Tuy nhiên, không ít người lại không chịu nổi sức nặng này, dẫn đến tình trạng kiệt quệ về tinh thần lẫn thể chất.

Còn đi làm thì còn áp lực

Áp lực đối với chị Khánh Ly (24 tuổi, ở TP.Thủ Đức) không phải là một điều xa lạ, nhất là khi chị đảm nhận vai trò trưởng nhóm thiết kế của một công ty chuyên về thời trang. Chị Ly chia sẻ: “Tôi biết rằng áp lực là một phần của công việc, nhưng có những lúc nó vượt quá khả năng chịu đựng của tôi. Nhiều khi tôi áp lực đến nỗi không nói nên lời”.

Từ việc đáp ứng các yêu cầu gấp gáp của khách hàng, thay đổi ý tưởng vào phút cuối, đến quản lý hiệu quả công việc của từng thành viên trong nhóm… Tất cả dồn dập đến mức khiến chị Ly cảm thấy kiệt quệ.

Áp lực khi đi làm, là bạn hay thù?- Ảnh 1.

Nhiều người lao động cảm thấy kiệt quệ vì áp lực công việc không hồi kết

ẢNH: THÁI THANH

“Có lần nhóm tôi phải hoàn thành 3 dự án lớn trong vòng 1 tháng, chưa kể khách hàng liên tục góp ý, chỉnh sửa. Tôi và đồng đội thức đêm liên tục đến nỗi kiệt quệ, làm xong dự án ai cũng sụt vài cân”, chị Ly kể lại. 

Áp lực triền miên khiến chị Ly luôn trong trạng thái căng thẳng, không có thời gian cho bản thân, gia đình, bạn bè. Lâu dần, chị Ly cảm thấy dần đánh mất niềm tin trong công việc và thiếu kết nối với các mối quan hệ xung quanh. 

Trái ngược với chị Khánh Ly, anh Quốc Thuận (23 tuổi, ở Q.Bình Tân, TP.HCM) có cách nhìn nhận áp lực công việc với sự bình thản và tích cực hơn. Anh Thuận đang làm tại một công ty quảng cáo với vai trò sáng tạo nội dung trên nền tảng số.

Anh Thuận cho biết, bản thân nhiều lần bị căng thẳng, nhất là khi những sản phẩm của anh và đồng đội đăng tải trên nền tảng số không đạt lượng tương tác nhất định. Tuy nhiên, áp lực không làm anh Thuận “nản lòng mà bỏ cuộc”. Sau nhiều lần vượt qua khủng hoảng, anh cảm thấy tự tin hơn, sẵn sàng đối diện với các thử thách mới.

“Khi áp lực dồn dập từ nhiều phía, thay vì oằn mình chống đỡ, tôi chọn cách đón nhận nó. Tôi tìm hiểu nguyên nhân, phân tích ưu điểm, nhược điểm để rút kinh nghiệm và tiến bộ hơn. Còn đi làm thì còn áp lực, quan trọng là cách mà chúng ta đối mặt và giải quyết nó như thế nào”, anh Thuận bộc bạch. 

Anh Thuận tin rằng áp lực công việc là một phần thiết yếu giúp anh tiến bộ và vững vàng hơn trong sự nghiệp.

Ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, người lao động cần nghiêm túc nhận biết khủng hoảng tâm lý do áp lực công việc và tìm ra phương pháp giải quyết phù hợp. 

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên, Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, áp lực ở mức độ vừa phải có thể thúc đẩy sự tập trung và động lực, giúp một số người phát huy tiềm năng của mình. Tuy nhiên, nếu áp lực vượt quá khả năng chịu đựng, nó sẽ trở thành gánh nặng, làm giảm hiệu suất và gây ra các vấn đề sức khỏe tinh thần như lo âu và kiệt sức.

Theo thạc sĩ Hải Uyên, đối với những người đang trải qua giai đoạn khủng hoảng do áp lực cần ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất của mình. Trước hết, người lao động cần biết rằng, sự kiệt sức không đồng nghĩa với việc mình kém cỏi hay thiếu kỹ năng. Tình trạng kiệt sức thực chất là lời cảnh báo quan trọng từ cơ thể và tâm trí, nhắc nhở chúng ta về việc chăm sóc bản thân.

Người lao động nên thiết lập thói quen sống lành mạnh như duy trì giấc ngủ đầy đủ, ăn uống cân bằng và tập thể dục để cải thiện sức khỏe tổng thể. Thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như hít thở sâu, chánh niệm, ghi nhật ký cảm xúc… cũng có thể giúp hệ thần kinh được thư giãn.

Ngoài ra, người lao động có thể trao đổi với cấp trên để điều chỉnh khối lượng công việc hoặc xin nghỉ phép tạm thời để phục hồi. Nếu tình trạng căng thẳng kéo dài và không thể tự giải quyết, người lao động nên tìm đến các chuyên viên tâm lý để nhận được sự hỗ trợ phù hợp.

Bên cạnh đó, các công ty cần có chính sách chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên. Việc xây dựng văn hóa quan tâm đến sức khỏe tinh thần, thay vì chỉ chú trọng đến hiệu suất là rất quan trọng.

Các công ty có thể cung cấp các chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần như buổi tham vấn với chuyên viên tâm lý; tổ chức khung giờ thực hành hít thở, chánh niệm, hoàn toàn không thảo luận về công việc… Cung cấp các giờ làm việc linh hoạt hoặc chính sách làm việc từ xa cũng giúp giảm bớt áp lực cho những nhân viên có nhu cầu đặc biệt.

“Điều quan trọng, dù là lãnh đạo hay nhân viên, hãy bao dung và đón nhận trạng thái của chính mình, của người khác. Đây không chỉ là một hành động yêu thương chính đáng mà còn là nền tảng thiết yếu để duy trì sức khỏe và hiệu suất lâu dài trong công việc và cuộc sống”, thạc sĩ Hải Uyên cho hay.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Hoàng Tiến, đại diện nhân sự một công ty TNHH thương mại - dịch vụ ở TP.HCM cho biết, những áp lực khi làm việc tại môi trường công sở là điều không thể tránh khỏi. Điều quan trọng nhất là cách chúng ta tiếp nhận, ứng xử và vượt qua nó.

Bản thân anh Tiến cũng đã từng nhiều lần gặp áp lực công việc nặng nề. Những lúc đó, anh cho hay sẽ cho bản thân thời gian để nghỉ ngơi, sạc lại năng lượng. 

"Cơ thể chúng ta cũng cần được nghỉ ngơi sau những ngày làm việc năng suất. Đứng trước áp lực, đừng nên cố gắng chối bỏ hay lún sâu, áp lực đôi khi sẽ trở thành động lực lớn để chúng ta đạt được những thành quả tốt hơn", anh Tiến nói. 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.