Áp lực lớn hơn

05/01/2015 04:45 GMT+7

Rất nhiều chính sách mới có tác động trực tiếp tới người dân, tới sự sống còn của các doanh nghiệp nội địa, bắt đầu có hiệu lực từ 1.1.2015. Khó khăn có, cơ hội có nhưng trên tất cả, áp lực cuộc sống, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn hơn.

Rất nhiều chính sách mới có tác động trực tiếp tới người dân, tới sự sống còn của các doanh nghiệp nội địa, bắt đầu có hiệu lực từ 1.1.2015. Khó khăn có, cơ hội có nhưng trên tất cả, áp lực cuộc sống, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn hơn.
Nếu như việc cắt giảm 1.715 dòng thuế xuống 0%, theo cam kết của VN khi thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2015 - 2018, là cơ hội cho người tiêu dùng trong nước mua bánh kẹo, thịt gia súc, gia cầm và hàng ngàn mặt hàng từ các nước Đông Nam Á với giá rẻ hơn, thì với các doanh nghiệp (DN) nội, đây thực sự là cuộc "so găng" một mất một còn để giữ thị phần tại chính sân nhà. Tất nhiên, dỡ bỏ hàng rào thuế quan tại sân nhà thì thuế ở "sân bạn" khi chúng ta xuất khẩu hàng hóa qua cũng không còn. Chỉ có điều, ASEAN - dù sát bên cạnh nhưng lâu nay không phải là thị trường mà các DN nội "mặn mà", lại thêm việc phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào nên về tổng quan, thách thức sẽ rất lớn. Theo các chuyên gia, với sự tương đồng về chủng loại, mẫu mã và chất lượng, vũ khí cạnh tranh lớn nhất của hàng hóa trong khối ASEAN chính là giá cả. Việc cắt giảm thuế quan lần này sẽ "mài nhọn" thêm vũ khí giá của các DN khối này khi thâm nhập thị trường VN.
Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để các DN trong nước có thể giữ được thị phần tại sân nhà cũng như tận dụng được lợi thế ở "sân khách" từ việc giảm thuế này? Không còn cách nào khác là phải giảm giá thành, tăng chất lượng và đa dạng mẫu mã sản phẩm. Để làm được điều này, chỉ nỗ lực của DN thôi không đủ mà cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước ở nhiều phương diện. Đầu tiên là phải quyết liệt đưa mặt bằng giá cả xuống phù hợp với mức giảm của xăng dầu thế giới mà chúng ta chưa làm được ở năm trước; nói không với các đề xuất tăng giá của các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, chẳng hạn như điện đang nhăm nhe tăng giá. Việc này sẽ giúp DN giảm chi phí đầu vào, từ đó có cơ sở giảm giá bán ra. Thứ hai, phải xây dựng và áp dụng linh hoạt hàng rào phi thuế quan để bảo vệ thị trường và người tiêu dùng nội địa. Thứ ba là quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, bài trừ tệ vòi vĩnh, ăn vặt làm tăng chi phí vô hình, chi phí không chính thức nhưng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong hoạt động kinh doanh của DN mà tất nhiên cuối cùng, vẫn được "bổ" lên giá.
Về phía DN, ngoài việc quản trị lại bộ máy để tiết giảm tối đa chi phí, một vấn đề quan trọng là phải nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi. Đây là vấn đề được nói đến rất nhiều nhưng sự thay đổi chưa lớn. Tư duy "mua đứt bán đoạn" vẫn còn ăn sâu ở không ít DN. Đã có nhiều công ty bị người tiêu dùng tẩy chay vì sau khi mua hàng, muốn bảo hành, muốn đổi thậm chí chỉ là tư vấn cách sử dụng, sửa chữa cũng rất khó khăn. Trong lần mở cửa này, nếu không tranh thủ được sự ủng hộ của người tiêu dùng nội địa thì việc giữ thị phần trước hàng ngàn mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm ngoại giá rẻ từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ rất khó. Và khả năng nhiều DN nội có thể phải rời bỏ thị trường.
Sau ATIGA sẽ là các hiệp định khác với cạnh tranh dữ dội hơn và lợi thế cũng nhiều hơn. Nếu có chiến lược tốt, chúng ta vẫn có thể biến khó khăn thành cơ hội và tạo tiền đề cho cuộc cạnh tranh ở thị trường lớn hơn phía trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.