Áp lực tăng lãi suất

Thanh Xuân
Thanh Xuân
19/07/2022 06:01 GMT+7

Ngân hàng trung ương các nước ồ ạt tăng lãi suất, lạm phát toàn cầu leo thang… gây nhiều áp lực lên lãi suất trong nước. Một số dự báo lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ đi lên trong thời gian tới.

Xuất hiện mức lãi gần 8%/năm

Mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng (NH) gần đây cũng đã tăng lên nhiều và xuất hiện ngày càng nhiều nhà băng có lãi suất trên 7%/năm. Cụ thể, NH TMCP Đông Nam Á (SeABank) trả lãi cho chứng chỉ tiền gửi ở mức cao, lên 7,85%/năm kỳ hạn 36 tháng, 7,7%/năm kỳ hạn 24 tháng. Chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, kỳ hạn 24 hoặc 36 tháng. NH TMCP Sài Gòn (SCB) có mức lãi suất tiết kiệm Phát Lộc Tài ở mức cao nhất 7,5%/năm kỳ hạn từ 18 tháng trở lên, kỳ hạn 6 tháng lên 6,8%/năm. Các NH khác như Nam A Bank, CB, KienLongBank… cũng đã có mức lãi suất trên 7%/năm. Khoảng cách chênh lệch lãi suất của những nhà băng này so với NH do nhà nước nắm tỷ lệ chi phối lớn đang ngày càng xa hơn khi Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank có lãi suất huy động từ 3 - 5,6%/năm.

Lãi suất đứng trước áp lực tăng

Ngọc Thắng

Trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút tiền từ đầu tháng 7 đến nay với tổng giá trị gần 260.000 tỉ đồng. Cụ thể, ngày 18.7 hút hơn 10.000 tỉ đồng, ngày 15.7 hút 13.480 tỉ đồng… Lãi suất cũng tăng từ 0,9%/năm lên 2,3%/năm. Riêng thị trường liên NH, lãi suất giảm nhẹ ở những kỳ hạn ngắn và tăng ở những kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Lãi suất giao dịch giữa các NH ở kỳ hạn qua đêm ở mức 0,76%/năm, 1 tuần 1,22%/năm, 2 tuần 1,5%/năm, 1 tháng 2,75%/năm…

Trong khi đó, thị trường toàn cầu hiện đang “hồi hộp” theo dõi việc liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có tiếp tục tăng lãi suất vào cuối tháng 7 khi chỉ số lạm phát vừa công bố tăng lên 9,1%, mức cao nhất trong 40 năm qua. Dự báo 2 mức lãi suất có thể FED sẽ tăng là 0,75 hoặc 1 điểm phần trăm trong đợt này. Trước đó, FED có đợt nâng lãi suất thứ ba liên tiếp, với mức tăng 0,75 điểm phần trăm, mức cao nhất kể từ năm 1994.

Gần đây, không những Mỹ mà NH trung ương các nước trên thế giới tăng lãi suất liên tục. Lãi suất cơ bản đã được điều chỉnh tăng 80 lần trong 6 tháng qua trên toàn thế giới, cao gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó 60 lần thuộc về nhóm NH trung ương các nước mới nổi. Tần suất tăng lãi suất cao hơn 56 lần so với năm 2011 khi mà lạm phát tăng tại phần lớn các nước châu Á và cao gấp 65 lần so với thời kỳ năm 2006 khi mà kinh tế bùng nổ trước cú sốc Lehman Brothers năm 2006. NH trung ương các nước chọn giải pháp tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát trên đà phi mã. Lãi suất tăng lên sẽ khiến chi phí vốn tăng cao, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, điều này sẽ làm cho nhu cầu bị nguồn cung vượt lên và lúc này lạm phát sẽ dịu đi.

Áp lực lạm phát, lãi suất thực dương

Tại báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo áp lực tăng lãi suất sẽ tiếp tục những tháng cuối năm. Kịch bản cơ sở lạm phát bình quân tăng 3,8% (6 tháng đầu năm tăng 2,44%) và không có thêm cú sốc về giá dầu, NHNN có dư địa để tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng với mức độ hạn chế hơn, trước áp lực lạm phát và tỷ giá (giữ nguyên các loại lãi suất điều hành ở mức thấp, và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% - tương đương năm 2021), mà không buộc phải thắt chặt theo xu hướng chung của các NH trung ương toàn cầu. Mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát tăng trở lại khiến NH cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh; nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi. Mức tăng nhiều khả năng sẽ thêm 0,5 đến 1 điểm phần trăm, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ có xu hướng tăng đồng pha với lãi suất huy động nhưng sẽ ít hơn ở mức khoảng 0,4 - 0,7 điểm phần trăm, do Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hệ thống NH chia sẻ khó khăn với các nhóm ngành chịu tác động bởi dịch bệnh.

KBSV cho rằng NHNN sẽ tiếp tục sử dụng đồng thời 2 công cụ là dự trữ ngoại hối và phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở để ổn định tỷ giá trước những cú sốc bên ngoài (lạm phát neo cao khiến các NH trung ương lớn tiếp tục nâng lãi suất, thu hẹp không gian chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ, đặc biệt là FED). Tương tự, HSBC vừa đưa ra dự báo mới đây với lãi suất điều hành của VN sẽ tăng lên 4,5%/năm vào quý 3 từ mức 4% hiện nay và lên 5%/năm vào quý 4.

Lãi suất điều hành sẽ tăng lên 6,5% vào cuối quý 3/2023. Giá cả hàng hóa toàn cầu leo thang đã tác động tới thương mại và đẩy lạm phát lên cao, dự báo chỉ số giá tiêu dùng của VN quý 3, 4 tăng khoảng 3,6% và 5,6%. Một áp lực khác lên lãi suất huy động tăng lên trong thời gian tới, đó là việc NHNN cấp hạn mức tín dụng thêm cho các NH thương mại, nhu cầu vốn cho vay vì thế cũng sẽ tăng lên. Hiện nay, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 9,35%, nhưng huy động chỉ tăng 4,51%.

Thế nhưng, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng NH TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng lạm phát của nước ta không xuất phát từ vấn đề tiền tệ bởi cung tiền ở mức vừa phải. Lạm phát cơ bản của VN tăng thấp (1,25%), chủ yếu do chi phí đẩy. Trong 6 tháng đầu năm nay, yếu tố cung tiền vừa phải (tăng 3,51%) và vòng quay tiền tăng chậm (0,4 lần) cũng làm chậm đi đà tăng của lạm phát. Lạm phát tăng trong 6 tháng qua chủ yếu do nhóm giao thông (giá xăng dầu tăng). Vì vậy, muốn chống lạm phát, phải bình ổn giá xăng dầu. VN có rất nhiều điều kiện để ổn định giá xăng dầu, như ngân sách tăng thu do giá dầu thế giới tăng mạnh nên có nhiều đề xuất dùng phần thu tăng thêm này để giảm thêm các loại thuế phí khác của xăng dầu.

Theo nhận định của ông Cấn Văn Lực, tăng lãi suất hiện nay có thể làm kinh tế suy thoái mà lại có thể không kiểm soát được lạm phát, đồng thời đi ngược với chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.

Kế hoạch của NHNN trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát. Trong đó, chú trọng theo dõi lạm phát và lãi suất thị trường để linh hoạt và kịp thời điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.