Áp lực thi cử có thể làm gia tăng bệnh lý dạ dày

Liên Châu
Liên Châu
08/06/2023 04:17 GMT+7

Sự căng thẳng và áp lực thi cử là một trong những nguyên nhân gây viêm loét dạ dày - tá tràng ở lứa tuổi học đường, nhưng chưa được nhiều gia đình nhận biết.

Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - gan mật tụy, Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), mới đây tiếp nhận và phẫu thuật cấp cứu điều trị viêm phúc mạc do thủng ổ loét hành tá tràng cho một học sinh trước kỳ thi lên lớp 10.

Thủng ổ loét do căng thẳng

Bệnh nhân (BN) là N.X.Đ (nam, 15 tuổi), học sinh lớp 9 đang chuẩn bị thi cuối cấp lên lớp 10. Nam sinh này có tiền sử viêm dạ dày tá tràng đã điều trị nội khoa nhiều đợt.

Theo chia sẻ từ gia đình, gần đây BN lo lắng chuyện thi cử, kèm theo đó là tình trạng đau bụng vùng trên rốn nhiều hơn. Sau một ca học thêm buổi tối, BN về nhà thì bị đau bụng dữ dội kèm sốt cao, gia đình đưa vào BV Bạch Mai cấp cứu.

Áp lực thi cử có thể làm gia tăng bệnh lý dạ dày - Ảnh 1.

Hình khí tự do dưới cơ hoành trước mổ cho thấy có thủng tạng rỗng

BVCC

BN vào viện trong tình trạng có hội chứng nhiễm trùng rõ, bụng đau co cứng như gỗ. Sau các xét nghiệm cần thiết, BN được chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng ổ loét hành tá tràng. BN được các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu nội soi khâu lỗ thủng ổ loét hành tá tràng, lau rửa vệ sinh ổ loét, dẫn lưu ổ bụng. BN được ra viện sau 5 ngày điều trị, đồng thời tiếp tục theo dõi.

Theo bác sĩ Nguyễn Hàm Hội, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - gan mật tụy, BV Bạch Mai, thủng ổ loét là biến chứng nặng nề của bệnh loét dạ dày tá tràng và là hậu quả của mất cân bằng giữa các yếu tố tấn công (axit, pepsin) và hệ thống bảo vệ niêm mạc của dạ dày, tá tràng.

Thủng ổ loét dạ dày - tá tràng phát hiện và xử trí muộn có tỷ lệ tử vong từ 2,5 - 10%; tỷ lệ tử vong lên đến 30% ở BN già yếu. Tỷ lệ biến chứng của loét dạ dày, tá tràng khoảng 10 - 20%, trong đó biến chứng thủng chiếm 2 - 14%.

Dấu hiệu đau dạ dày - tá tràng

Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - gan mật tụy, BV Bạch Mai, cho biết: Với trẻ em ở lứa tuổi học đường, cha mẹ và người thân cần sớm nhận biết dấu hiệu căng thẳng, lo âu, thậm chí sợ hãi của trẻ như: mệt mỏi, hay hồi hộp, lo lắng, vã mồ hôi, khó chịu, bồn chồn, rối loạn cảm xúc (cáu giận, bực bội, phản ứng thái quá trước những việc bình thường), ăn ngủ kém, hay đau bụng đi ngoài mỗi khi căng thẳng...

Khi đã có viêm loét dạ dày, trẻ sẽ có những cơn đau bụng trên rốn hoặc quanh rốn âm ỉ, giống như rối loạn tiêu hóa. Cha mẹ thường chủ quan tự chữa bằng men tiêu hóa, tẩy giun… nên nhiều khi bệnh chỉ được phát hiện khi đã biến chứng. Ngoài ra, trẻ còn có thể buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua…

Để giúp trẻ tránh áp lực, căng thẳng, cha mẹ cần giúp trẻ có kế hoạch học tập hợp lý, tránh dồn khối lượng lớn trước kỳ thi, có thời gian xen kẽ nghỉ ngơi, thư giãn, vận động thể chất. Ăn uống khoa học, vệ sinh, sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya.

"Gia đình nên động viên, khuyến khích, tạo tâm trạng thoải mái cho trẻ, không đòi hỏi kết quả vượt quá xa năng lực thực tế của trẻ. Không trách mắng, xúc phạm trẻ khi kết quả không đạt được như kỳ vọng...", bác sĩ Minh chia sẻ. 

Viêm loét dạ dày - tá tràng là căn bệnh xuất phát từ tổn thương của lớp niêm mạc là "lớp lót" trong cùng của dạ dày hoặc tá tràng bị bào mòn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, loét sẽ khoét sâu xuống các lớp bên dưới thành dạ dày gây các biến chứng như thủng, chảy máu, hẹp môn vị, ung thư hóa...

Nguyên nhân gây bệnh là: lạm dụng thuốc lá, bia rượu; ăn uống, sinh hoạt thiếu điều độ; căng thẳng tâm lý... Điều này lý giải việc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng trước đây thường gặp ở độ tuổi trưởng thành, nhưng ngày càng trẻ hóa, xuất hiện ở lứa tuổi học đường do áp lực học hành, thi cử, đặc biệt thời điểm cuối năm học. Các gia đình cần tư vấn có thể liên hệ hotline Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - gan mật tụy: 086 9587701.

(Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.