Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khoảng 19 giờ ngày 19.7, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có vị trí ở vào khoảng 14,6 độ vĩ bắc - 116,8 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông khu vực giữa Biển Đông. Áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - cấp 7 (39 - 61km/giờ), giật cấp 9; di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 5 - 10 km.
Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến khoảng 19 giờ ngày 20.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc; 114,5 độ kinh đông trên khu vực phía bắc Biển Đông. Bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Từ 48 - 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 10 km.
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sắp mạnh lên thành bão số 2
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định diễn biến của áp thấp nhiệt đới vẫn còn nhiều phức tạp. Trước mắt, cần lưu ý tới tác động của áp thấp nhiệt đới trên biển.
Cụ thể, vùng biển phía đông khu vực bắc và giữa Biển Đông có mưa rào và giông mạnh, gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 6 - cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh; sóng cao 2 - 4 m. Ngoài ra, ở khu vực biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, phía tây khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm phía tây quần đảo Trường Sa) đang có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6.
"Trong đêm nay và ngày mai, giữa và nam Biển Đông tiếp tục duy trì trường gió tây nam mạnh, kèm theo đó là mưa giông mạnh, tầm nhìn xa giảm thấp", ông Hưởng nói.
Vị chuyên gia cho biết, gió mùa tây nam cũng khiến Tây nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Trong khi đó, miền Bắc vẫn có mưa lớn cục bộ, cần lưu ý lũ quét và sạt lở đất.
Bình luận (0)