Theo một báo cáo được công bố hôm 18.8, các nhà nghiên cứu của Citizen Lab ở Canada phát hiện ra “một phần kiểm duyệt chính trị của Apple ở đại lục đã lan sang cả Hồng Kông và Đài Loan”, khi hãng này lọc nội dung được yêu cầu để khắc lên sản phẩm.
Apple có dịch vụ cho phép khách hàng khắc biểu tượng cảm xúc, nội dung và số lên bên ngoài các sản phẩm của công ty bao gồm iPhone, iPad, AirPod, AirTag và Apple Pencil. Tuy nhiên, không phải nội dung nào cũng được Apple đồng ý khắc cho khách hàng tại Trung Quốc. Theo báo cáo, Apple kiểm duyệt nội dung liên quan đến lãnh đạo Trung Quốc và hệ thống chính trị của nước này, ngoài ra còn có tên của những người bất đồng chính kiến, các tổ chức tin tức độc lập, các điều khoản chung liên quan đến tôn giáo, dân chủ và nhân quyền.
“Phần lớn việc kiểm duyệt đó vượt quá nghĩa vụ pháp lý của Apple ở Hồng Kông. Chúng tôi cũng nhận thức được rằng không có lý do pháp lý nào cho việc kiểm duyệt chính trị nội dung như vậy ở Đài Loan, nơi chính quyền Trung Quốc không có quyền quản lý trên thực tế”, trích báo cáo.
Dựa vào kết quả phân tích về dịch vụ khắc lên sản phẩm của Apple tại sáu thị trường, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ và Canada, các nhà nghiên cứu nhận thấy quy tắc lọc từ khóa có sự khác biệt. Apple chặn từ khóa đề cập đến nội dung khiêu dâm, thô tục và hàng hóa, dịch vụ bất hợp pháp ở cả sáu thị trường, nhưng các từ khóa chính trị mới là trọng tâm ở thị trường Trung Quốc rộng lớn. Nghiên cứu tìm thấy 1.105 quy tắc lọc từ khóa được sử dụng ở đại lục, 458 quy tắc trong số đó nhắm mục tiêu đến nội dung chính trị. Và trong số 458 từ khóa chính trị đó, Apple kiểm duyệt 174 từ khóa ở Hồng Kông và 29 từ khóa ở Đài Loan.
Trả lời câu hỏi từ The Citizen Lab, Giám đốc quyền riêng tư của Apple Jane Horvath cho biết công ty xử lý yêu cầu khắc nội dung theo khu vực vì không có danh sách toàn cầu nào chứa một bộ từ hoặc cụm từ. “Những quyết định này được đưa ra thông qua một quá trình xem xét, đánh giá luật pháp địa phương cũng như tính nhạy cảm văn hóa. Chúng tôi thỉnh thoảng xem xét lại các quyết định. Mặc dù các nhóm đánh giá của chúng tôi dựa vào thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng không có bên thứ ba hoặc cơ quan chính phủ nào tham gia vào quá trình”, bà Jane Horvath nói.
Báo cáo của Citizen Lab là lời cảnh báo về việc cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn đối với Apple, vốn đã nhiều lần bị chỉ trích vì các chính sách ở Trung Quốc, thị trường lớn thứ ba về doanh thu của công ty sau châu Mỹ và châu Âu. Theo South China Morning Post, trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình ở Hồng Kông vào năm 2019, Apple bị chỉ trích vì đã xóa một ứng dụng bản đồ địa phương theo dõi các hoạt động biểu tình ở thành phố. Hãng này sau đó biện minh rằng ứng dụng bản đồ bị xóa đã được sử dụng theo những cách có thể gây nguy hiểm cho cảnh sát và người dân ở Hồng Kông.
Apple cũng tích cực loại bỏ các ứng dụng mạng riêng ảo (VPN) mà người dùng đại lục sử dụng để vượt bức tường lửa Great Firewall. Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ VPN đều bị coi là bất hợp pháp ở Trung Quốc. Apple cũng không cung cấp bản tải xuống sách và phim cho người dùng ở đại lục kể từ năm 2016 để tuân thủ các quy tắc kiểm soát nội dung của nước này.
Bình luận (0)