Apple chi 95 triệu USD dàn xếp vụ kiện Siri nghe lén

Khải Minh
Khải Minh
04/01/2025 09:25 GMT+7

Sau nhiều tranh cãi, Apple chấp nhận chi trả 95 triệu USD để giải quyết cáo buộc Siri vô tình ghi lại các cuộc trò chuyện cá nhân và chia sẻ với bên thứ ba.

Theo ArsTechnica, vụ kiện tập thể kéo dài suốt 5 năm về cáo buộc trợ lý ảo Siri nghe lén nội dung người dùng vừa kết thúc bằng một thỏa thuận với mức bồi thường 95 triệu USD, dù Apple không thừa nhận bất kỳ hành vi sai phạm nào. Thay vào đó, thỏa thuận đề cập đến các kích hoạt Siri “vô ý” kể từ khi tính năng “Hey, Siri” ra mắt năm 2014. Những ghi âm này bị kích hoạt không chủ đích mà không cần người dùng nói cụm từ cần thiết.

Apple chi 95 triệu USD dàn xếp vụ kiện Siri nghe lén - Ảnh 1.

Siri, trợ lý giọng nói của Apple, bị cáo buộc tự ý ghi âm cuộc trò chuyện riêng tư, dẫn đến tranh cãi lớn về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu người dùng

ẢNH: KHẢI MINH

Theo thông tin từ một người tố giác, Siri đôi khi tự kích hoạt khi Apple Watch được nâng lên khi sử dụng và phát hiện giọng nói. Dấu hiệu duy nhất mà người dùng có thể nhận ra là các quảng cáo nhắm mục tiêu xuất hiện đúng vào các sản phẩm hoặc thương hiệu họ vừa thảo luận.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu khách hàng bị ảnh hưởng. Theo thỏa thuận, Apple sẽ bồi thường tối đa 20 USD cho mỗi thiết bị có Siri được mua từ ngày 17.9.2014 đến 31.12.2024, bao gồm iPhone, iPad, Apple Watch, MacBook, HomePod, iPod touch và Apple TV. Người dùng có thể yêu cầu bồi thường cho tối đa 5 thiết bị.

Phiên điều trần để phê duyệt thỏa thuận dự kiến diễn ra vào ngày 14.2. Nếu được phê chuẩn, Apple sẽ thông báo cho tất cả khách hàng bị ảnh hưởng, không chỉ để bồi thường mà còn đảm bảo các cuộc gọi riêng tư sẽ được xóa vĩnh viễn. Dù thỏa thuận này được xem là thắng lợi nhỏ cho người dùng, nhiều ý kiến cho rằng Apple đã thoát khỏi khoản phạt lớn một cách dễ dàng. Theo Đạo luật Wiretap, Apple có thể bị phạt hơn 1,5 tỉ USD nếu vụ kiện được đưa ra tòa và phía nguyên đơn thắng kiện.

Tuy nhiên, các luật sư đại diện người dùng Apple đã chọn dàn xếp vì luật bảo mật dữ liệu vẫn là một lĩnh vực đang phát triển, tiềm ẩn rủi ro rằng các quyết định pháp lý mới có thể thay đổi cục diện. Ngoài ra, quy mô vụ kiện có thể bị thu hẹp nếu tòa án yêu cầu nguyên đơn chứng minh cuộc gọi của họ đã bị ghi lại bởi Siri một cách vô ý.

Vấn đề Siri ghi âm ngoài ý muốn lần đầu tiên được tiết lộ bởi một người tố giác vào năm 2019. Người này tuyên bố các bản ghi âm bao gồm nhiều nội dung nhạy cảm như các cuộc thảo luận giữa bác sĩ và bệnh nhân, giao dịch kinh doanh, hành vi phạm tội và thậm chí cả các tương tác cá nhân nhạy cảm.

Người dùng Apple đã đệ đơn kiện coi hành vi này là “vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực xã hội” và có thể vi phạm luật liên bang. Dù Apple bác bỏ cáo buộc nhưng cuối cùng vẫn đồng ý dàn xếp, hy vọng chấm dứt tranh cãi. Trong khi đó, Google cũng đang đối mặt với vụ kiện tương tự liên quan đến trợ lý giọng nói. Các thiết bị bị ảnh hưởng bao gồm loa thông minh, màn hình Nest, và điện thoại Pixel, với thời gian áp dụng từ năm 2016. Vụ kiện này dự kiến chưa thể kết thúc trước mùa thu tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.