Những điều chỉnh "mềm"
Apple từng có chính sách khá cứng nhắc tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn đầu thương hiệu này xuất hiện qua các đối tác phân phối. Năm 2010, các nhà mạng Việt Nam chính thức công bố kế hoạch kinh doanh iPhone chính hãng khi thị trường chỉ có hàng xách tay. Giai đoạn này Việt Nam không nằm trong số thị trường mở bán ưu tiên và thường phải tới đợt 3 hoặc 4 (khoảng tháng 12 hằng năm) mới có hàng, trong khi iPhone được mở bán từ tháng 9. Giá sản phẩm chính hãng lúc này ở Việt Nam vẫn còn cao, số lượng lại hạn chế.
Apple iPhone chính hãng ngày càng được người Việt chấp nhận. |
AFP |
Tới khoảng năm 2019, dù đã có mặt qua một số đơn vị ủy quyền chính hãng, iPhone vẫn phải mất hơn 40 ngày mới về Việt Nam kể từ thời điểm mở bán đầu tiên. Tuy nhiên thời gian này bắt đầu rút ngắn xuống dưới 40 ngày vào năm 2020 khi iPhone 12 ra mắt thị trường và với iPhone 13 series, chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi mở bán tại Mỹ, người Việt đã có thể "trên tay" mẫu smartphone này từ các đại lý ủy quyền.
Việc rút ngắn thời điểm mở bán đồng nghĩa Việt Nam được đẩy lên nhóm các thị trường ưu tiên. Dù vẫn chưa ở nhóm 1 (bán ngay trong tháng 9 sau khi giới thiệu), người tiêu dùng Việt đã không phải chờ lâu để sở hữu máy, cũng không cần mua hàng xách tay về sớm từ thị trường Singapore, Hồng Kông như trước. Hai năm trở lại đây, thời gian mở bán iPhone ở Việt Nam đã tương đồng với các quốc gia khác trong khu vực.
Ngoài thay đổi về chính sách mở bán, giá sản phẩm ở kệ hàng chính hãng cũng điều chỉnh có lợi cho người tiêu dùng từ 2 năm qua. Thế hệ iPhone 12 đánh dấu bước thay đổi đáng kể khi lần đầu tiên giá smartphone Apple chính hãng tại Việt Nam tiệm cận với hàng xách tay, thậm chí còn tốt hơn nếu tính kèm các chương trình khuyến mại do đại lý tung ra ở thời điểm mở bán. Trước đó, hàng xách tay thường rẻ hơn chính hãng nhiều triệu đồng không khỏi làm người tiêu dùng phải băn khoăn, cân nhắc.
Thị trường iPhone xách tay bị thu hẹp nhanh chóng chỉ sau 2 năm. |
Anh quân |
Ưu thế về giá tiếp tục được áp dụng đối với iPhone 13 series và dự kiến không thay đổi ở các thế hệ máy về sau. Cùng với việc ngày càng rút ngắn thời điểm mở bán, Apple đang cho thấy quyết tâm thu hẹp thị trường máy xách tay tại Việt Nam vốn rất nhộn nhịp.
Hai năm tập trung vào kệ hàng chính hãng vừa qua cũng là thời điểm đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trên toàn cầu, khiến các đường bay bị gián đoạn, tác động nghiêm trọng tới nguồn hàng xách tay. Những khó khăn, thậm chí không thể di chuyển tới các quốc gia vốn là thị trường nguồn của hàng xách tay khiến phân khúc này thiếu hàng trầm trọng và chi phí bị đội lên.
Nguồn cung thiếu hụt, giá lại cao hơn hàng chính hãng, tệ hơn nữa là thời gian có hàng không còn chênh lệch nhiều khiến mảng kinh doanh iPhone xách tay gần như "hết thời".
Chưa dừng lại ở đó, Apple cũng siết chặt chính sách liên quan tới việc bảo hành như "cú chốt" để hạn chế hàng xách tay lẫn các sản phẩm chính hãng giao dịch theo hình thức "chợ đen" (gom hàng từ các đại lý tạo thiếu hụt ảo rồi đẩy ra thị trường với giá cao hơn để kiếm lời). Cuối năm 2021, Apple yêu cầu mọi thiết bị, không chỉ riêng iPhone, khi đi bảo hành tại Việt Nam phải có hóa đơn mua hàng do đại lý ủy quyền cung cấp.
Quyết định này chắc chắn sẽ gây khó cho người dùng, nhưng với "táo khuyết", đó sẽ là bước đi cần thiết để đảm bảo một môi trường kinh doanh mang về lợi nhuận cho hãng, đồng thời giúp thị trường phát triển. Khi người tiêu dùng làm quen với việc mua sắm, sử dụng thiết bị chính hãng thì Apple có thể thay đổi và nới lỏng các quy định để giúp mọi thứ trở lại bình thường như ở nhiều thị trường khác trên thế giới.
Thay đổi "cứng"
Các cửa hàng đặc trưng phong cách Apple ngày càng nhiều ở Việt Nam. |
Anh quân |
Chỉ trong 2 năm 2020 và 2021, công ty có trụ sở tại Cupertino (Mỹ) đã phối hợp cùng đối tác tại Việt Nam để triển khai các đại lý theo diện AAR (nhà bán lẻ ủy quyền) và có cả APR (nhà bán lẻ cao cấp). Sau Thế Giới Di Động và FPT Shop, năm 2020 Việt Nam có thêm các AAR gồm Hoàng Hà Mobile, Di Động Việt, ShopDunk, CellphoneS và tới năm 2021 thêm Minh Tuấn Mobile là thành viên mới nhất.
Cùng với chiến lược bổ sung số lượng đại lý để tăng độ phủ cho thương hiệu và sản phẩm chính hãng, Apple cùng các AAR, APR tại Việt Nam liên tục mở những cửa hàng chuyên biệt dạng Mono Store chỉ kinh doanh sản phẩm của hãng. Các địa điểm này tuân thủ nghiêm ngặt thiết kế cũng như quy chuẩn mà Apple đặt ra để tăng trải nghiệm cho người dùng, giúp họ cảm nhận được không gian và hệ sinh thái mà hãng mang lại.
Hãng đồng thời mở gian hàng chính thức trên các sàn thương mại điện tử lớn ở việt Nam để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở địa phương nơi chưa có cửa hàng ủy quyền. Cũng như yêu cầu dành cho AAR, sàn thương mại điện tử đang phải dần loại bỏ sản phẩm hàng xách tay và hàng cũ trên sàn. Có thể thấy "nhà táo" đang "tổng tấn công" ở cả mô hình kinh doanh cửa hàng vật lý truyền thống lẫn "mặt trận" trực tuyến để tối đa hóa lượng khách hàng tiếp cận sản phẩm phân phối chính hãng.
Với các quyết sách mới, Apple đang đạt được hiệu quả rõ rệt khi gần đây hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research công bố kết quả khảo sát cho thấy Apple là hãng sản xuất smartphone đạt tăng trưởng cao nhất ở Việt Nam (năm 2021 tăng 119% so với 2020), thị phần từ 7% (2020) đã lên 11% (2021). Đặc biệt ở phân khúc smartphone cao cấp, Apple đang không có đối thủ với 79% thị phần (theo GFK công bố tháng 10.2021).
Sự mở rộng cả về thị phần, tăng độ phủ của thương hiệu, sản phẩm lẫn danh sách đại lý, cửa hàng đang là dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường phản hồi tốt với thiết bị Apple chính hãng ở Việt Nam. Khác với trước đây vì người dùng chuộng iPhone nhưng chủ yếu sử dụng máy cũ, hàng xách tay nên "nhà táo" chưa mở một cửa hàng chính thức nào của hãng thì tình hình hiện tại người tiêu dùng Việt có quyền hy vọng vào một Apple Store xuất hiện trong tương lai gần.
Bình luận (0)