Theo CNBC, Quỹ năng lượng sạch Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 1 gigawatt năng lượng, hoặc đủ năng lượng để cung cấp cho khoảng 1 triệu nhà thông qua các phương tiện tái tạo hoàn toàn trong bốn năm tới.
Năng lượng tái tạo từ lâu là một phần của Apple. Cách đây 10 năm, Apple đã tìm ra nguồn năng lượng tái tạo cho trung tâm dữ liệu tại Bắc Carolina. Công ty ủy thác nhà thầu năng lượng mặt trời Bay Area xây dựng cơ sở năng lượng mặt trời chuyên dụng cho trung tâm, xây dựng ba trang trại năng lượng mặt trời địa phương và một pin nhiên liệu sinh học cho trung tâm dữ liệu, theo Fast Company.
Hồi tháng 4, Apple cho ra mắt Daisy, robot tái chế iPhone cũ, và thông báo rằng các cơ sở toàn cầu tại 43 nước đang được cung cấp năng lượng sạch 100%. Gần đây hơn, doanh nghiệp chuyển hướng tập trung vào chuỗi cung ứng, làm việc với các nhà cung ứng nhôm của Mỹ và Canada để cắt giảm khí thải nhà kính.
“Sứ mệnh của Apple chưa bao giờ lung lay. Chúng tôi ở đây để thay đổi thế giới, đó là lý do vì sao chúng tôi liên tục cố gắng làm nhiều hơn để giảm tác động của chúng tôi lên trái đất mà chúng ta đang cùng chia sẻ, đồng thời cũng mở rộng và tái xác định nhiều khả năng trong tương lai”, Apple viết trong báo cáo trách nhiệm môi trường năm 2018.
Quỹ năng lượng sạch Trung Quốc tiếp tục các nỗ lực trên, và nếu thành công thì sẽ phục vụ mô hình có thể được nhân rộng ra nhiều thị trường khác. Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ở Trung Quốc tăng vọt, chính phủ nước này đẩy mạnh việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch, vừa để làm sạch chất lượng không khí và vừa để đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp trong tương lai.
Năm ngoái, Trung Quốc lắp đặt nhiều tấm pin mặt trời hơn so với tổng lượng tấm pin mặt trời mà thế giới lắp đặt. Nước này cũng đứng đầu thế giới về năng lượng gió và thủy điện.
Trung Quốc có thể là thị trường phù hợp cho việc nuôi dưỡng nhiều phát kiến năng lượng tái tạo, song với các doanh nghiệp nhỏ hơn, có ít nguồn lực hơn, chuyển sang dùng năng lượng sạch có thể là thách thức. Apple kỳ vọng quy mô của Quỹ năng lượng sạch Trung Quốc sẽ giúp những người tham gia quỹ có sức mua lớn hơn nhằm tiến tới năng lượng sạch.
Các nhà cung ứng đầu tiên tham gia quỹ gồm: Catcher Technology, Compal Electronics, Corning Incorporated, Golden Arrow, Jabil, Luxshare-ICT, Pegatron, Solvay, Sunway Communication và Wistron. Quỹ này sẽ được quản lý bởi DWS Group, công ty con của Deutsche Bank.
Bình luận (0)