Theo Android Authority, điều này về cơ bản có nghĩa các nền tảng "người gác cổng" sẽ buộc phải mở cửa cho các dịch vụ và ứng dụng của đối thủ. Tuy nhiên, Apple đang phản đối việc đưa iMessage vào danh sách "người gác cổng" khi cho rằng nó không đủ phổ biến ở EU để biện minh cho yêu cầu này.
Được biết, DMA xác định các nền tảng người gác cổng có doanh thu hằng năm trên 7,5 tỉ EUR, vốn hóa thị trường hơn 75 tỉ EUR và hơn 45 triệu người dùng hoạt động hằng tháng ở EU. Apple cho rằng iMessage không có hơn 45 triệu người dùng hoạt động hằng tháng tại EU, do đó họ tin nền tảng này không nên được chỉ định là "dịch vụ gác cổng" và không cần phải mở cửa cho các ứng dụng đối thủ như WhatsApp.
iOS của Apple được cho là chiếm khoảng 1/3 thị trường EU, tức đó không phải là một miếng bánh nhỏ. Báo cáo của GSMA vào năm 2021 cho biết, 474 triệu người EU đã đăng ký gói dữ liệu di động và WhatsApp là dịch vụ phổ biến ở EU hơn so với Mỹ.
Đây là lý do mà Apple muốn tận dụng để yêu cầu EU không coi iMessage là nền tảng "người gác cổng", từ đó mở ra cơ hội kinh doanh lớn cho công ty. Hiện tại, iMessage là nền tảng có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Mỹ và không hỗ trợ Android. Điều này giúp iPhone thống trị thị trường người dùng trẻ tuổi tại đây.
Tờ Financial Times đưa tin rằng EU vẫn đang thảo luận về việc có nên đưa iMessage và Microsoft Bing vào danh sách các nền tảng "người gác cổng" hay không. Microsoft cũng được cho là đang phản đối việc coi Bing là "người gác cổng" với lý do thị phần chỉ đạt 3%. Danh sách này sẽ chính thức được công bố vào ngày 6.9.
Bình luận (0)