Trao đổi với The New York Times, ông Trump nói rằng cả hai lãnh đạo công nghệ của Microsoft và Apple đã gọi điện thoại chúc mừng ông đắc cử Tổng thống Mỹ. Và trong cuộc trò chuyện với Tim Cook, ông đã đề xuất nguyện vọng muốn Apple xây dựng một hoặc nhiều nhà máy lớn tại Mỹ thay vì Trung Quốc.
Để tạo cơ sở cho kế hoạch của mình, ông Trump cho biết sẽ đưa ra những ưu đãi đối với Apple. Theo đó, chính phủ Mỹ đang hướng đến một đợt cắt giảm thuế rất lớn dành cho các tập đoàn, trong đó có cả Apple.
Trong chiến dịch vận động trước bầu cử, Cook thể hiện rõ sự ủng hộ dành cho bà Hillary Clinton bằng cách tổ chức một buổi quyên góp cho ứng cử viên đảng Dân chủ vào tháng 8. Còn trong chiến dịch của mình, ông Trump nhiều lần công khai đe dọa Apple bằng cách đánh thuế cao vào các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc - nơi các sản phẩm Apple được sản xuất.
Hồi tháng 3.2016, ông Trump nói: “Tôi sẽ mang việc làm trở lại. Tôi sẽ tìm cách để Apple xây dựng nhà máy sản xuất máy tính và iPhone của họ trên đất nước chúng ta mà không phải ở Trung Quốc. Làm thế nào để Apple giúp đất nước khi mà họ sản xuất sản phẩm ở Trung Quốc?”.
Sau cuộc bầu cử Mỹ có kết quả, ông Cook đã gửi một bản ghi nhớ cho tất cả nhân viên Apple tại Mỹ. Tuy không nhắc trực tiếp đến tên của ông Trump nhưng dựa vào các ngôn từ được đưa ra giới quan sát cho rằng người đứng đầu Apple đang khiển trách chính sách chống nhập cư của ông Trump.
Tuy nhiên, trong một báo cáo gần đây cho biết Apple đã đề xuất với các đối tác lắp ráp iPhone là Foxconn và Pegatron lập kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị tại Mỹ. Theo báo cáo thì Foxconn đã đồng ý, trong khi Pegatron vẫn chưa đưa ra quyết định.
Việc sản xuất iPhone tại Mỹ sẽ mang đến những lợi ích cho chính sách giải quyết việc làm cho người dân Mỹ của ông Trump, nhưng nó cũng sẽ đẩy giá bán iPhone cao hơn vì Apple phải trả thêm tiền cho các thành phần linh kiện cũng như nhân công để đảm bảo lợi nhuận. Giá thành cao sẽ khiến người tiêu dùng đắn đo trong việc chi tiêu mua sắm iPhone, một bài toán thật khó dành cho công ty công nghệ Mỹ.
Bình luận (0)