"Chúng tôi đã đình chỉ việc tham gia CSTO và chúng tôi không còn tham dự các cuộc họp của tổ chức. Hiện nay, chúng tôi đang chờ câu trả lời cho thắc mắc duy nhất: khu vực trách nhiệm của tổ chức tại Armenia là gì? Mọi vấn đề đã nổi lên từ khoảnh khắc Yerevan nêu sự việc này ra", Thủ tướng Pashinyan nói trong một cuộc họp báo ngày 12.3, theo hãng APA.
CSTO là tổ chức quân sự và an ninh quốc tế gồm các quốc gia cựu thành viên Liên Xô và có trụ sở chính tại Moscow (Nga). Nhiệm vụ của CSTO bao gồm phòng thủ chung, chống khủng bố, chống ma túy, và các hoạt động khác liên quan đến an ninh. Các quốc gia thành viên của CSTO bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan.
Từ khi nắm quyền từ năm 2018, Thủ tướng Pashinyan đã thắt chặt mối quan hệ của Armenia với châu Âu và Mỹ, khiến đồng minh truyền thống là Nga phật lòng.
Armenia cũng chỉ trích Nga vì không giúp bảo vệ nước này trước đối thủ Azerbaijan, vốn ngày càng xích lại gần Moscow hơn. Năm 2023, Azerbaijan tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh từ nhóm người dân tộc Armenia, vốn được Yerevan ủng hộ.
Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan nói rằng nước ông đang cân nhắc xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Armenia chính thức gia nhập tòa án đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Putin
Về mối quan hệ của Armenia với CSTO, Tổng thư ký Imangali Tasmagambetov của tổ chức này nói với hãng thông tấn TASS ngày 12.3 rằng chưa nhận được đề nghị chính thức về việc đình chỉ tư cách thành viên của Armenia.
Ông Tasmagambetov thừa nhận Armenia không tham gia vào công việc của ban thư ký CSTO trong thời gian gần đây. Thủ tướng Pashinyan không tham gia các cuộc họp của tổ chức cũng như hội nghị thượng đỉnh CSTO tại Belarus hồi tháng 11.2023.
Ông Tasmagambetov nói rằng bất chấp "những cảm xúc đáng lo ngại" từ giới tinh hoa Armenia, CSTO hy vọng vào "sự tỉnh táo chính trị của giới lãnh đạo đất nước" và nhấn mạnh Yerevan vẫn là một đồng minh trong tổ chức.
Bình luận (0)