Truyền thông nhà nước Azerbaijan ngày 4.10 thông báo Tổng thống Ilham Aliyev đã quyết định không đến Granada (Tây Ban Nha) để tham dự cuộc đối thoại với lãnh đạo Armenia vào ngày 5.10, theo Reuters.
Cuộc đối thoại do lãnh đạo Pháp, Đức và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel làm trung gian, diễn ra bên lề hội nghị Cộng đồng chính trị châu Âu, nhằm thảo luận về tương lai của vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh. Azerbaijan giành kiểm soát vùng này sau chiến dịch quân sự nhanh chóng hôm 19.9, khiến cả trăm ngàn cư dân người Armenia tại đó chạy sang nước láng giềng.
Theo hãng thông tấn APA, ông Aliyev muốn Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Azerbaijan, đại diện tại cuộc họp nhưng Pháp và Đức phản đối. APA cho rằng Azerbaijan cảm nhận không khí chống lại nước này giữa các thành viên dự họp. Baku cũng không hài lòng với những tuyên bố và hành động ủng hộ Armenia của giới chức châu Âu gần đây.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna ngày 3.10 đến thăm Armenia và tuyên bố ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của nước này, đồng thời thông báo sẽ cung cấp vũ khí phòng thủ cho Yerevan.
Tổng thống Aliyev vẫn chưa xác nhận thông tin sẽ không đến dự họp. Trong khi đó, đồng minh của ông là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng hủy chuyến đi đến Tây Ban Nha để dự cuộc họp Cộng đồng chính trị châu Âu ngày 5.10. Bloomberg dẫn các nguồn tin cho hay lịch trình của Tổng thống Erdogan trước đại hội đảng cầm quyền vào ngày 7.10 rất bận bịu.
Tại sao dòng người dân tộc Armenia lũ lượt rời Nagorno-Karabakh?
Về phần mình, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thông báo vẫn đến Granada và cho rằng việc lãnh đạo hai bên không thể ký "văn kiện bước ngoặt" về vùng Nagorno-Karabakh là nỗi hổ thẹn, theo AFP. Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan nhưng do người Armenia thiểu số tại nước này kiểm soát cho đến khi chiến dịch quân sự hồi tháng 9 diễn ra.
Giữa Armenia và Azerbaijan đã xảy ra hai cuộc chiến liên quan Nagorno-Karabakh trong 30 năm qua và nỗ lực hòa giải của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nga chưa thể giúp các bên ký thỏa thuận hòa bình.
Thượng nghị sĩ Ben Cardin, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ngày 4.10 cho rằng Mỹ nên ngừng viện trợ an ninh cho Azerbaijan sau khi nước này giành lại Nagorno-Karabakh. Thay vào đó, ông Cardin nói Washington phải ưu tiên ủng hộ người Armenia bị trục xuất và bắt Baku chịu trách nhiệm, đồng thời có hành động đảm bảo Azerbaijan không tìm cách giành thêm lãnh thổ.
Bình luận (0)