Armenia và Azerbaijan hướng tới bình thường hoá quan hệ

Văn Khoa
Văn Khoa
08/12/2023 07:54 GMT+7

Armenia và Azerbaijan ngày 7.12 đã ra tuyên bố chung được Liên minh châu Âu đánh giá là một 'bước quan trọng'.

Trong ngày 7.12, Armenia và Azerbaijan đã nhất trí trong một tuyên bố chung nhằm nắm bắt "cơ hội lịch sử để đạt hòa bình được chờ đợi từ lâu trong khu vực". "Hai nước tái xác nhận ý định bình thường hóa quan hệ và đạt được hiệp ước hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ", tuyên bố viết, theo AFP.

Cũng theo tuyên bố trên, Baku sẽ trả tự do cho 32 tù nhân chiến tranh Armenia, trong khi Yerevan sẽ trả tự do cho hai quân nhân Azerbaijan. Hai bên cho biết thêm họ "sẽ tiếp tục thảo luận về việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin hiệu quả hơn trong tương lai gần và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ những nỗ lực của họ".

Armenia và Azerbaijan có ‘bước đột phá’ sau xung đột - Ảnh 1.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tham dự một cuộc họp ở Kazakhstan ngày 3.11

Reuters

Bước tiến trên đã đạt được trong cuộc đàm phán giữa văn phòng Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và chính quyền của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Cả Armenia lẫn Azerbaijan đều cho hay một thỏa thuận hòa bình có thể được ký kết vào cuối năm nay.

Bộ Ngoại giao Armenia cho hay Yerevan đã "phản ứng tích cực với lời đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về việc tổ chức cuộc gặp giữa các ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan tại Washington".

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã ca ngợi tuyên bố chung ngày 7.12 của Armenia và Azerbaijan trong một bài đăng trên mạng xã hội, gọi đây là một "bước quan trọng". Ông viết: "Hoan nghênh một bước đột phá lớn trong quan hệ Armenia-Azerbaijan khi họ đưa ra tuyên bố chung".

Hai ông Aliyev và Pashinyan đã gặp nhau nhiều lần trong các cuộc đàm phán bình thường hóa do EU làm trung gian. Tuy nhiên, quá trình này đã bị đình trệ trong hai tháng qua do hai vòng đàm phán không diễn ra được, theo AFP.

Azerbaijan đã từ chối tham gia các cuộc đàm phán với Armenia đã được lên kế hoạch tại Mỹ vào ngày 20.11, vì điều mà nước này cho là quan điểm mang tính "thiên vị" của Washington. Trước đó, vào tháng 10, ông Aliyev từ chối tham dự vòng đàm phán với ông Pashinyan ở Tây Ban Nha, với cáo buộc Pháp thiên vị.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã được lên kế hoạch tham gia cùng ông Michel với tư cách là bên hòa giải tại các cuộc đàm phán đó. Cho đến nay, nỗ lực của EU nhằm tổ chức một vòng đàm phán mới vẫn chưa có tiến triển rõ ràng.

Hai nước láng giềng Armenia và Azerbaijan đã vướng vào cuộc xung đột kéo dài hàng chục năm về vùng Nagorno-Karabakh mà Azerbaijan đã giành lại sau cuộc tấn công chớp nhoáng chống lại phe ly khai người dân tộc Armenia vào tháng 9.

Armenia và Azerbaijan có ‘bước đột phá’ sau xung đột - Ảnh 2.

Các lực lượng vũ trang của Azerbaijan tham gia một cuộc duyệt binh ở vùng Nagorno-Karabakh ngày 8.11

Reuters

Ông Aliyev đưa quân tới vùng Nagorno-Karabakh vào ngày 19.9, và chỉ sau một ngày giao tranh, lực lượng ly khai Armenia vốn kiểm soát khu vực tranh chấp đó suốt 3 thập niên đã hạ vũ khí và đồng ý tái hòa nhập với Azerbaijan.

Trong những ngày tiếp theo, gần như toàn bộ người dân tộc Armenia, hơn 100.000 người, đã rời khỏi Nagorno-Karabakh để đến Armenia, gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Chiến thắng của Azerbaijan đánh dấu sự kết thúc của cuộc tranh chấp lãnh thổ, trong đó Azerbaijan và Armenia trải qua hai cuộc chiến vào năm 2020 và thập niên 1990, đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người từ cả hai phía, theo AFP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.