Arsenal: mạnh hơn, nhưng liệu có thành công hơn?

20/07/2022 08:37 GMT+7

Arsenal lại tiếp tục gây bất ngờ bởi sức mua sắm trước mùa bóng mới, nhưng liệu điều này có mang lại thành công cho họ?

Mùa hè năm ngoái, CLB Arsenal bất ngờ chi đến 140 triệu bảng - nhiều nhất châu Âu - để tăng cường nửa tá hảo thủ. Đấy là câu chuyện ngoài sức tưởng tượng, vì nhiều lẽ. Về mặt bản chất, Arsenal là đội thường xuyên bán nhiều hơn mua, hoặc “mua rẻ, bán đắt”. Đã vậy, Arsenal còn lỗ hàng chục triệu bảng trong báo cáo tài chính gần nhất trước đó, và không còn nguồn thu từ Champions League.

Tân binh Gabriel Jesus (9) chơi khá hay trong màu áo Arsenal ở chuyến du đấu tại Mỹ

Reuters

Rút cuộc, Arsenal vẫn không đạt được mục tiêu trở lại “top 4” ở Premier League. Bây giờ, đội bóng của Mikel Arteta lại tiếp tục gây bất ngờ bởi sức mua sắm trước mùa bóng mới. Đã có Gabriel Jesus (45 triệu bảng, mua từ Man.City) và Fabio Vieira (30 triệu bảng, từ Porto), Arsenal lại vừa tăng cường Zinchenko (30 triệu bảng, từ Man.City). Hấp dẫn ở chỗ, theo cách nói úp mở của HLV Arteta, có thể hiểu rằng kế hoạch mua sắm cầu thủ của Arsenal trong mùa hè này vẫn chưa dừng lại. Với quỹ chuyển nhượng đã vượt mốc 100 triệu bảng, câu hỏi đặt ra là khả năng thành công trong mùa tới của Arteta sẽ như thế nào?

Mua sắm ào ạt trong 2 mùa bóng liên tiếp là câu chuyện rất lạ (xin nhắc lại: đây là Arsenal). Hệ quả về chuyên môn, nếu tốt đẹp, sẽ được tính theo cấp số nhân chứ không phải là phép cộng. Bởi thành công của những bản hợp đồng từ năm trước, trên lý thuyết, sẽ lại tiếp tục tăng lên sau 1 năm đã hòa nhập ổn thỏa. Đây có lẽ là chi tiết mấu chốt khiến giới chủ CLB tiếp tục rộng tay chi tiền trong mùa hè này. Nhìn chung, các cầu thủ mới của Arsenal trong mùa vừa qua đều phát huy tác dụng tốt, từ đó hình thành đội bóng đáng gọi là số 1 Premier League tính chung sức trẻ và tài năng. Lực lượng vốn đã “xem được” trong tay Arteta, bây giờ có thể sẽ còn mạnh mẽ hơn nhiều, với những sự bổ sung đầy chất lượng.

Thật ra, Arsenal tuy mạnh tay chi tiền, nhưng cũng có đặc điểm riêng khác hẳn với cách mua sắm của nhiều đội khác trong “Big 6”. Arteta không hề rước “hàng khủng”, kiểu như Man.City mua Jack Grealish, M.U mua Jadon Sancho hoặc Chelsea mua Romelu Lukaku. Thông thường, các “ngôi sao trăm triệu” (hoặc gần như thế) nếu không tỏa sáng thì sẽ trở thành nỗi thất vọng lớn trong lĩnh vực chuyển nhượng. Bởi đấy là loại ngôi sao thích hợp hoặc không thích hợp với hệ thống chiến thuật chung trong đội, chứ rất khó uốn nắn, mài giũa cho tương thích với phong cách, lối chơi mới. Chiến thuật tăng cường hàng loạt hảo thủ trẻ, chứ không mua dạng siêu sao đã định hình, của Arteta xem ra đang thành công. Và giới hâm mộ Arsenal có quyền tiếp tục chờ đợi thành công trong mùa bóng tới.

Thành công đến đâu mới là vấn đề! Công bằng mà nói, Arsenal đã thật sự lột xác trong mùa vừa qua, hay hơn chính mình. Nếu như mùa tới vẫn sẽ như vậy? Sẽ không có nhiều ý nghĩa, bởi vấn đề là có vào được “top 4” hay không. Liverpool và Man.City đã tiến đến đẳng cấp khác mất rồi! “Top 4” thật ra chỉ còn 2 chỗ để Arsenal cạnh tranh với M.U, Tottenham và Chelsea.

Mùa trước, Chelsea (ĐKVĐ Champions League) cũng nghiễm nhiên được xem là một đại gia sẽ có chỗ trong “Top 4”, nên Arsenal phải cạnh tranh suất duy nhất còn lại để được dự Champions League. Họ có khả năng thực tiễn, nhưng đến phút chót thì thua Tottenham của HLV Antonio Conte trong gang tấc. Bây giờ, Chelsea có vẻ như đã suy yếu sau khi đổi chủ. Ngược lại, lý thuyết cho thấy M.U mùa này có thể sẽ khởi sắc so với tình trạng không có chút hy vọng gì trong tay Solskjaer hoặc Rangnick. Như vậy, sẽ có 2 suất cho 4 đội mạnh cạnh tranh ở thế ngang ngửa hơn, so với tình trạng Arsenal chỉ cạnh tranh vị trí số 4 với Tottenham trong mùa vừa qua.

Cuộc đua sẽ hấp dẫn hơn, đa dạng hơn, và bản thân Arsenal kỳ này gần như chắc chắn sẽ mạnh hơn chính mình mùa trước. Có thành công hơn hay không, thì… khó nói!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.