ASEAN - Mỹ kề vai sát cánh

17/02/2016 08:35 GMT+7

Những cuộc thảo luận sâu rộng xoay quanh vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình là trọng tâm của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ.

Những cuộc thảo luận sâu rộng xoay quanh vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình là trọng tâm của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ Tổng thống Obama - Ảnh: TTXVNThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ Tổng thống Obama - Ảnh: TTXVN
Chiều 15.2, giờ địa phương (rạng sáng 16.2, giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chào đón các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại Sunnylands, khu nghỉ dưỡng trên sa mạc ở bang California. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị.
Mặt trận thống nhất
Trong động thái được đánh giá là nhằm làm gia tăng áp lực lên Trung Quốc xung quanh các dự án xây cất phi pháp trên Biển Đông, chủ nhân Nhà Trắng đã khai mạc hội nghị bằng việc tuyên bố ASEAN - Mỹ “chia sẻ mục tiêu xây dựng một trật tự khu vực, nơi mọi quốc gia đều tuân thủ những luật lệ giống nhau”.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Obama nêu rõ “trong vai trò tổng thống Mỹ, tôi luôn nhấn mạnh rằng thậm chí trong khi Mỹ buộc phải đối đầu những mối đe dọa cấp bách trên toàn thế giới, chính sách ngoại giao của chúng tôi vẫn phải nắm bắt những cơ hội mới, và hiếm có khu vực nào mang lại cơ hội nhiều như châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ 21”. “Đó là lý do ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống, tôi đã quyết định rằng Mỹ, như là một quốc gia Thái Bình Dương, nên tái cân bằng chính sách ngoại giao và đóng vai trò lớn hơn và dài hạn tại châu Á - Thái Bình Dương”, ông Obama tuyên bố.
Tuy nhiên, hiện mục tiêu cấp bách hơn cả là làm sao đảm bảo rằng ASEAN - Mỹ cùng kề vai sát cánh trước những hành vi bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc được thể hiện thông qua hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp và gia tăng hoạt động quân sự tại khu vực. Theo AFP, để đối phó chiến lược Trung Quốc âm mưu tạo nên thực tế đã rồi trên Biển Đông, Nhà Trắng đã thành lập một liên minh không chính thức trong số các đồng minh tại Thái Bình Dương nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh phải tôn trọng luật lệ quốc tế, nếu không muốn bị xem là “kẻ bắt nạt” trong khu vực. “Tại hội nghị này, chúng ta có thể thúc đẩy tầm nhìn chung về một trật tự khu vực nơi các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, bao gồm tự do hàng hải, được duy trì và là nơi các tranh chấp được giải quyết thông qua các phương tiện pháp lý hòa bình”, ông Obama nói.
Thúc đẩy thịnh vượng
Trong ngày đầu tiên, Tổng thống Obama đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN thảo luận về chủ đề “Thúc đẩy thịnh vượng khu vực theo hướng phát huy tinh thần kinh doanh và sáng tạo”. Hội nghị nhận định khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động dù còn nhiều khó khăn và thách thức. Trong giai đoạn tới, việc chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng phát triển các ngành sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ cao, phát huy tinh thần kinh doanh và sáng tạo sẽ là một hướng ưu tiên của các nước ASEAN. Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, các nước nhất trí cần đưa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ phát triển sâu sắc hơn nữa.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là một thành viên tích cực và trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực đóng góp vì Cộng đồng ASEAN và sự phát triển thịnh vượng trong khu vực. Sau 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội. Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, đồng thời tích cực triển khai chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và tham gia liên kết kinh tế trên nhiều tầng nấc, trong đó Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là những khuôn khổ then chốt.
Nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quan hệ ASEAN - Mỹ đối với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị thời gian tới hai bên cần triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác đã thỏa thuận, nhất là Kế hoạch hành động ASEAN - Mỹ giai đoạn 2016 - 2020, gia tăng các hoạt động hợp tác, đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, tri thức, công nghệ giữa các doanh nghiệp ASEAN và Mỹ nhằm hỗ trợ ASEAN xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo, năng động, nâng cao năng lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phát triển bền vững. Thủ tướng cũng đề xuất thành lập một Trung tâm ASEAN - Mỹ về hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặt tại Việt Nam nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo cũng như sự kết nối của các doanh nghiệp ASEAN.
Tuy chương trình nghị sự ngày đầu tiên chủ yếu tập trung vào các vấn đề thương mại và kinh tế, nhưng vấn đề Biển Đông vẫn thu hút sự quan tâm sâu sắc của các lãnh đạo doanh nghiệp, theo Reuters. “Điều khiến chúng tôi mất ngủ là Biển Đông là một trong những khu vực căng thẳng lớn… Là một cộng đồng kinh doanh, chúng tôi muốn chứng kiến những khác biệt và yêu sách chồng lấn đó được giải quyết thông qua thảo luận thay vì đối đầu quân sự”, ông Alexander Feldman, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - ASEAN Alexander Feldman phát biểu.
Tổng thống Mỹ thăm VN vào tháng 5
Đó là thông báo được Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm trao đổi về quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ bên lề Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ ngày 16.2. Tổng thống Mỹ cho biết sẽ thực hiện chuyến thăm với mong muốn tìm hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, đồng thời trao đổi về những biện pháp hợp tác cụ thể nhằm duy trì đà tích cực của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Mỹ - Việt. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lãnh đạo và nhân dân Việt Nam chào đón Tổng thống Obama và sẽ giao cho Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với phía Mỹ chuẩn bị tốt nhất cho chuyến thăm.
Tại cuộc hội kiến kéo dài gần 40 phút, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về các lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam rất quan ngại trước tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa thực sự hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không do những hành động đơn phương bồi đắp quy mô lớn các đảo chiếm đóng trái phép và xây dựng trên quy mô lớn các đảo nhân tạo từ những cấu trúc nửa nổi nửa chìm, làm thay đổi nguyên trạng, kể cả việc tăng cường quân sự hóa dưới các hình thức khác nhau.
Thủ tướng đề nghị Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông; tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm thỏa thuận thực chất Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Tổng thống Obama khẳng định Mỹ lo ngại về tình hình Biển Đông và ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực ngoại giao và tiến trình pháp lý nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 và DOC.
Cũng bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha.
Theo TTXVN
Nỗ lực từ hai phía
Tối 16.2, trả lời Thanh Niên qua email xung quanh Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, một số chuyên gia quốc tế khẳng định Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Obama đã có nhiều nỗ lực tăng cường quan hệ với ASEAN.
Ông Ernest Z.Bower, Cố vấn cao cấp - Giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ:
Hội nghị trên là thành quả đến từ những nỗ lực của Tổng thống Obama suốt 2 nhiệm kỳ để thể chế hóa vai trò trung tâm của ASEAN đối với cấu trúc an ninh và kinh tế khu vực châu Á. Trong bối cảnh đó, hội nghị thực sự là một phần cốt lõi trong chiến lược tái cân bằng ở châu Á mà Nhà Trắng đang theo đuổi. Trong 2 ngày nghị sự, ngày đầu tiên, các nhà lãnh đạo tập trung vào vấn đề kinh tế và thương mại, làm thế nào để cả 10 nước ASEAN đều được hưởng lợi từ TPP. Ngày thứ 2, tâm điểm là vấn đề an ninh hàng hải, nổi bật là tình hình Biển Đông. Không hướng đến việc ASEAN đóng vai trò đối trọng với Trung Quốc, nhưng Nhà Trắng đã nhận ra ASEAN muốn trở thành vị trí trung tâm trong cấu trúc khu vực mới để định hình một nền tảng quy tắc để tích hợp kinh tế và an ninh châu Á trong thế kỷ 21. ASEAN muốn Mỹ tham gia góp phần định hình nên điều đó.
Nhiều nhà phân tích đã bỏ qua một thực tế rằng ASEAN có những giá trị nội tại không thể chối cãi đối với Mỹ. Họ cũng đánh giá thấp giá trị của Mỹ đối với các nước ASEAN. Washington có nền tảng lớn về đầu tư ở ASEAN, lớn hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại.
Chuyên gia Scott Cheney-Peters, Chủ tịch Trung tâm an ninh hàng hải quốc tế (Mỹ):
Mỹ và ASEAN xem nhau là đối tác chiến lược khi chia sẻ chung quan điểm về tình hình ở châu Á - Thái Bình Dương. Tất cả đều hoan nghênh sự phát triển của Trung Quốc nếu Bắc Kinh trỗi dậy hòa bình, không bắt nạt các nước láng giềng và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế. Đã có nhiều tranh chấp được giải quyết thành công bằng cách thức hòa bình, điển hình là Indonesia và Philippines vào năm 2014 đã giải quyết thành công với nhau về tranh chấp ở vùng biển Mindanao và Celebes.
Mỹ tuy không phải là một bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng sẽ nỗ lực thực hiện quyền tự do hàng hải. Đây là một phần trong những quan điểm chung giữa Washington với ASEAN. Việc có chung quan điểm còn là lý do để các nước ASEAN hoan nghênh việc Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực.
Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore):
Từ khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Obama đã thể hiện rõ nỗ lực thực hiện chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong nhiều khía cạnh, điều đó là bắt buộc đối với Washington nhằm tăng cường các đối tác mới. Mỹ cũng nhận ra rằng cần phải thay đổi để lấy lại những gì đã mất dưới thời Tổng thống George W.Bush vốn sa đà quá nhiều vào Trung Đông và Afghanistan giữa lúc Trung Quốc tận dụng sự phát triển để mở rộng ảnh hưởng xuống phía nam. Vì thế, từ năm 2012, Washington đã tăng cường hiện diện trong khu vực nhằm ứng phó sự vươn mình của Trung Quốc. Tại hội nghị lần này, Tổng thống Obama chắc chắn muốn các đối tác ASEAN hiểu một vài điều. Đầu tiên là việc duy trì tự do hàng hải cực kỳ quan trọng ở Biển Đông. Thứ hai, để đảm bảo hòa bình và ổn định, các nước ASEAN cần tăng cường hợp tác, thắt chặt quan hệ để đối ngoại hiệu quả hơn.
Ngô Minh Trí
(thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.