Thành viên các đội y tế khẩn cấp các nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Brunei và các chuyên gia cấp cứu thảm họa đến từ Nhật Bản đã có mặt rất sớm tại Sân vận động Hòa Xuân để tham gia chương trình huấn luyện.
|
Tình huống giả định ở đây là cấp cứu thảm họa siêu bão, khi y tế địa phương gần như tê liệt. Nạn nhân tại khu vực gặp thảm họa lên đến hơn 300 người với các đa chấn thương, đuối nước, rối loạn tâm lý cộng đồng như hoảng loạn, trầm cảm… Bên cạnh đó, dịch bệnh mới có nguy cơ phát sinh cần được kiểm soát chặt chẽ. Bộ Y tế Việt Nm đánh giá mức thảm họa cấp 4 và đề xuất chính phủ kêu gọi hỗ trợ từ các nước trong khu vực ASEAN thông qua Trung tâm điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo và Quản lý thảm họa (AHA).
Các đội y tế khẩn cấp các quốc gia thành viên ASEAN và Nhật Bản đã đến Đà Nẵng tham gia cuộc diễn tập về y tế trong ứng phó thảm họa.
|
Trong 2 ngày (28 - 29.3) tham gia diễn tập cấp cứu và ứng phó thảm họa tại thực địa, các đội y tế khẩn cấp các nước ASEAN cũng đã thống nhất phương án thông tin phù hợp với điều kiện thực tế tại khu vực, phương thức quản lý và chia sẻ thông tin khi xảy ra thảm họa. Trên cơ sở này, dự án JICA cũng sẽ xây dựng được công cụ hợp tác khu vực ASEAN về y tế khẩn cấp đối phó với thảm họa tự nhiên.
Dự án Tăng cường năng lực các quốc gia ASEAN trong quản lý y học thảm hoạ (gọi tắt là Dự án ARCH) là dự án hợp tác kỹ thuật giữa Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) và Chính phủ Thái Lan (thường trực đặt tại Viện quốc gia về Y học thảm hoạ Thái Lan - NIEM) ra đời trên cơ sở cam kết hợp tác quản lý thảm hoạ trong Tuyên bố chung tại Hội nghị cấp cao Nhật Bản - ASEAN, với mục tiêu nâng cao năng lực điều phối, huy động nguồn lực trong khu vực và từng quốc gia ASEAN, đáp ứng nhanh và hiệu quả về y tế khi xảy ra các thảm hoạ tự nhiên.
Bình luận (0)