ASIAD 19: Iran rất mạnh, Olympic Việt Nam chống đỡ ra sao?

20/09/2023 21:31 GMT+7

Cuộc đấu với Olympic Iran lúc 18 giờ 30 ngày 21.9 là bài kiểm tra nặng ký cho đẳng cấp thực sự của Olympic Việt Nam.

Olympic Iran mạnh đến đâu?

Bóng đá trẻ Iran là thế lực ở sân chơi ASIAD, khi từng 4 lần lên ngôi vô địch (1974, 1990, 1998, 2002), 2 lần về nhì (1951, 1966) và 1 lần về ba (2006). Chỉ bóng đá Hàn Quốc có thành tích tốt hơn Iran tại đấu trường này.

Tuy nhiên, Olympic Iran đã sa sút trong nhiều năm qua, minh chứng là trong 2 kỳ đại hội gần nhất, đại diện Tây Á đều bị loại sớm.

Ở ASIAD 17, Olympic Iran thua 1-4 trước Olympic Việt Nam ở vòng bảng và sớm bị loại. Đến ASIAD 18, Olympic Iran thua 0-2 trước Olympic Hàn Quốc ở vòng 16 đội. Đây là kết quả đáng buồn với nền bóng đá trẻ thường xuyên vào bán kết, chung kết ASIAD.

Olympic Iran rất mạnh, Olympic Việt Nam chống đỡ ra sao? - Ảnh 1.

Olympic Iran (áo đỏ) hòa 0-0 với Olympic Ả Rập Xê Út ở trận ra quân ASIAD 19

JAMARAN NEWS

Nỗi thất vọng chồng chất với bóng đá trẻ Iran khi đội U.23 nước này thất bại ở vòng loại U.23 châu Á 2024. U.23 Iran đánh bại U.23 Hồng Kông (3-0) và U.23 Afghanistan (4-0), nhưng lại thua 0-1 trước U.23 Uzbekistan, do đó bị loại khỏi nhóm các đội nhì bảng xuất sắc nhất.

Thất bại nói trên khiến Liên đoàn Bóng đá Iran không còn sử dụng đội U.23 Iran làm nòng cốt lứa Olympic Iran dự ASIAD 19 (chỉ giữ lại 6 cầu thủ gồm Sina Saidifar, Saman Turanian, Hossein Gudarzi, Amir Jafari, Aria Barzegar và Mohammad Hossein Eslami), còn lại mang hàng loạt cầu thủ mới đến Hàng Châu, Trung Quốc với hy vọng cải thiện thành tích.

Dù vậy, Olympic Iran vẫn rất mạnh, với chất lượng cầu thủ tốt cùng lối chơi kỹ thuật đậm chất Tây Á. Nền tảng thể lực là điểm mạnh của Olympic Iran, giúp cựu vô địch ASIAD luôn có ưu thế trong các pha tranh chấp tay đôi.

Trong trận hòa 0-0 với Olympic Ả Rập Xê Út, Olympic Iran đã giữ thế trận chắc chắn dù có phần đuối hơn đối thủ ở số tình huống nguy hiểm.

Ngoài ra, Olympic Iran còn mạnh ở các tình huống đánh biên và trả ngược tuyến hai, nhờ những đường chuyền dài ra sau lưng hậu vệ. Đây là bài tấn công Olympic Việt Nam cần lưu ý, bởi sơ đồ sở trường của HLV Hoàng Anh Tuấn là 3-4-3, vốn không mạnh trong các pha phòng ngự biên.

Olympic Iran rất mạnh, Olympic Việt Nam chống đỡ ra sao? - Ảnh 2.

Olympic Iran chơi lăn xả

JAMARAN NEWS

Ở trận gặp Olympic Mông Cổ, hàng thủ Olympic Việt Nam đã để lộ nhiều sơ hở khi dâng cao tấn công. Đây là khoảng trống HLV Hoàng Anh Tuấn phải "vá lỗi", bởi Olympic Iran có những mảng miếng tốc độ và giàu sức sát thương hơn nhiều.

Sửa lỗi

HLV Hoàng Anh Tuấn khẳng định với độ tuổi trung bình 20,3 (thấp nhất giải), Olympic Việt Nam gặp trở ngại tâm lý khi phải đối đầu với những đối thủ lớn tuổi hơn là điều dễ hiểu.

Sau trận đấu với Olympic Mông Cổ, HLV Hoàng Anh Tuấn cùng ban huấn luyện đã chỉ ra thiếu sót cho học trò, đồng thời củng cố lại lối chơi như tập các bài phòng ngự, bọc lót, bịt kín các khoảng trống lộ ra khi di chuyển đội hình.

Đồng thời, Olympic Việt Nam còn chú trọng một số miếng tấn công chớp nhoáng như chuyền dài vượt tuyến hay phản công.

Ở trận gặp Olympic Mông Cổ, 3 trong số 4 bàn Olympic Việt Nam ghi được đến từ những pha chuyển đổi ấn tượng từ phòng ngự sang tấn công. Điều này cần được duy trì trước Olympic Iran, bởi những miếng đánh chớp nhoáng chính là chìa khóa để khai thông các trận đấu khó.

Olympic Iran rất mạnh, Olympic Việt Nam chống đỡ ra sao? - Ảnh 3.

Olympic Iran rất mạnh, Olympic Việt Nam chống đỡ ra sao? - Ảnh 4.

Olympic Việt Nam cần thể hiện được lối chơi trước khi nghĩ đến kết quả

MINH ĐỨC

Nhưng quan trọng nhất, Olympic Việt Nam cần được củng cố về tâm lý. HLV Hoàng Anh Tuấn đã có các biện pháp tinh thần để "làm dịu" lại những cái đầu nóng, nhằm giúp học trò có sự bình tâm trước trận đấu lớn.

Còn về chiến thuật, nhiều khả năng Olympic Việt Nam sẽ trở về lối chơi phòng ngự phản công, vốn là thế mạnh của HLV Hoàng Anh Tuấn ở sân chơi châu Á.

Tuy nhiên, thay vì căng sức phòng ngự thụ động, các cầu thủ sẽ được yêu cầu phải kiểm soát nhịp độ mỗi khi giành lại bóng để tổ chức lối chơi. Trước đội bóng giỏi đeo bám, pressing và tranh chấp như Olympic Iran, Olympic Việt Nam cần phối hợp nhanh và bình tĩnh triển khai thế trận.

Cái đầu "lạnh" cùng sự tiến bộ, nhiệt huyết, đó là những điều đáng chờ đợi ở Olympic Việt Nam. Một tập thể gồm nhiều cầu thủ rất trẻ (Nguyên Hoàng, Đức Anh, Mạnh Hưng mới 18 tuổi) khó tránh khỏi sai lầm cũng như trục trặc trong cách vận hành.

Vấn đề là Olympic Việt Nam cần tinh thần cầu thị kiểu "sai đâu sửa đấy" và sẵn sàng đối đầu với những chướng ngại bằng sự tự tin cao nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.