178 tỉ đồng phí bản quyền ASIAD 19, thật khó cho các đài và thật khổ cho khán giả

19/09/2023 18:39 GMT+7

Trước trận ra quân ASIAD 19 của Olympic Việt Nam và Mông Cổ vào ngày 19.9, chúng tôi hỏi biên tập viên thể thao một đài truyền hình, đài có thực hiện chương trình bình luận không. Câu trả lời là: 'Đài không có bản quyền phát sóng ASIAD nên không thể làm'.

Hồi đầu tháng 9, đại diện một đơn vị truyền thông cho hay: "Giá bản quyền phát sóng ASIAD 19 trên tất cả các nền tảng từ truyền hình, phát thanh, mạng xã hội, internet… thuộc phạm vi lãnh thổ Việt Nam, do đối tác Hàn Quốc nắm giữ. Giá mà đối tác này đưa ra không còn ở mức rất đắt, là 15 triệu USD mà giảm còn 7 triệu USD (khoảng 178 tỉ đồng, chưa kèm phụ phí truyền dẫn, thuế…). Tuy nhiên, mọi cuộc đàm phán giữa chúng tôi và đối tác này đều thất bại vì hình như họ không muốn bán. Họ thể hiện sự lạnh nhạt". Thế là sao nhỉ?

178 tỉ đồng phí bản quyền ASIAD 19, thật khó cho các đài và thật khổ cho khán giả - Ảnh 1.

Đội Olympic Việt Nam thi đấu tại ASIAD 19

MINH ĐỨC

Chia sẻ với Thanh Niên trong suốt thời gian vừa qua, nhiều đơn vị truyền thông khác và nhiều đài truyền hình tại Việt Nam (bao gồm cả truyền hình quảng bá và truyền hình trả tiền) đều bày tỏ quan điểm, sẽ không mua bản quyền phát sóng ASIAD 19 bằng mọi giá. Khi giá bản quyền các giải đấu tăng với tốc độ phi mã, các đài đều phải đối mặt với bài toán kinh tế vô cùng nan giải. 

Đại diện một đơn vị truyền hình nói: "Chúng tôi bị sức ép từ dư luận rất lớn là phải mua bản quyền ASIAD 19. Tuy nhiên, nếu như ASIAD 18, gói bản quyền được sự hỗ trợ gần như toàn bộ, từ 2 doanh nghiệp lớn của Việt Nam, thì ASIAD 19, không doanh nghiệp nào vào cuộc cả. Một mình chúng tôi hay một số đài khác, không thể cáng đáng nổi. Cũng đã tính đến phương án, các đơn vị cùng hợp tác và sau đó chia sẻ quyền lợi, nhưng cách giải quyết này cũng không ổn vì tính đi tính lại, vẫn lỗ rất nặng".

178 tỉ đồng phí bản quyền ASIAD 19, thật khó cho các đài và thật khổ cho khán giả - Ảnh 2.

178 tỉ đồng phí bản quyền ASIAD 19, thật khó cho các đài và thật khổ cho khán giả - Ảnh 3.

Đội tuyển nữ Việt Nam khi thi đấu tại SEA Games 32, các trận đấu được phát sóng

Được biết, năm 2014, giá bản quyền phát sóng ASIAD 14 chỉ khoảng 200.000 USD và khi đó gói bản quyền này thuộc về một đơn vị truyền hình trả tiền tại TP.HCM. Đến ASIAD 18, giá trị bản quyền đã lên đến con số 2 triệu USD. Nhưng cũng phải nhờ đến sự "cứu hộ" của các doanh nghiệp như vừa đề cập ở trên, VOV mới mua thành công.

Các đài và các đơn vị truyền thông trong những thời điểm này, chỉ tính đến việc mua bản quyền phát sóng các giải đơn môn (ví dụ như vòng loại U.23 châu Á, World Cup…), chứ không còn đủ lực để mua bản quyền các giải đa môn, kiểu như ASIAD. Vì đối tác bán rất đắt.

Và trong bối cảnh này, khán giả sẽ phải chịu thiệt thòi. Cứ hình dung tiếp, từ nay đến hết ASIAD 19, các trận đấu của Olympic Việt Nam và đội bóng đá nữ Việt Nam cùng nhiều đội tuyển khác của đoàn thể thao Việt Nam, sẽ không xuất hiện trên sóng truyền hình tại lãnh thổ Việt Nam. Trừ khi, lại có doanh nghiệp nào đó bất ngờ vào cuộc.

Thắng Olympic Mông Cổ, HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn ‘tức giận vì thẻ vàng trớt quớt’

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.