Ngay từ sáng sớm ngày 11.4, ngày đầu tiên thực hiện việc phát gạo cho người nghèo của nhóm thiện nguyện tại Trường ĐH Phú Xuân (TP.Huế) qua cây ATM gạo tự động tại địa chỉ 28 Nguyễn Tri Phương phải tạm dừng để điều chỉnh vì lượng người kéo đến quá đông.
|
Hoạt động của cây ATM gạo ngay sau đó đã được UBND P. Phú Hội, TP.Huế yêu cầu tạm ngưng để điều chỉnh phương án vì lượng người tập quá đông, trái với tinh thần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Để giải tỏa đám đông, Công an P.Phú Hội đã cử lực lượng đến để giám sát và yêu cầu mọi người giãn cách để bảo đảm an toàn.
|
Do không thể thực hiện phương án phát gạo, quà qua ATM gạo, nhóm tổ chức thiện nguyện phát gạo Huế đã chuyển phương án phát gạo qua phiếu hẹn giờ, tuy nhiên phương án này vẫn chưa khả thi.
Để giải quyết tình huống, nhóm tổ chức phát gạo đã tổ chức đặt thùng để ghi nhận thông tin gồm: tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại… của người có nhu cầu để tổ chức gởi gạo về tận nhà cho từng người. Số lượng người có nhu cầu nhận gạo đến cuối giờ chiều ngày 11.4 đã lên đến hơn 500 người.
|
Chị Hồ Thị HạnhTiên (cán bộ Trường ĐH Dân lập Phú Xuân) - phụ trách nhóm cho biết: “Thực sự, nhóm đã gặp phải khó khăn khi lượng người đến quá đông mà ý thức chấp hành giãn cách phòng dịch Covid-19 lại không đảm bảo nên chương trình buộc phải tạm ngừng để điều chỉnh cách thức phát quà cho phù hợp. Trước mắt các anh chị em trong nhóm, thay vì phát gạo tự động qua ATM, sẽ chuyển sang tự đong gạo vào bao để thay nhau chuyển đến cho người có nhu cầu".
Cần xếp hàng thể hiện văn hóa của người Huế khi "nhận quà"
Mệ Nguyễn Thị Liền (72 tuổi, ở tổ 4 P.Kim Long, TP.Huế) thuộc hộ neo đơn già yếu, sau khi nghe thông tin phát gạo đã nhờ người chở đến xin nhận. Suốt cả buổi, dù chưa nhận được gạo, nhưng mệ vẫn chấp hành việc giãn cách xã hội. Sau khi nhờ người ghi tên tuổi, địa chỉ bỏ vào thùng, mệ tìm đến một vị trí cách xa đám đông để ngồi.
"Dù nghèo đến xin nhận quà nhưng cũng phải chấp hành trật tự, xếp hàng đàng hoàng chứ ai mà chen chúc vậy. Đói cho sạch, rách cho thơm, dù nghèo vẫn phải có văn hóa. Nếu đừng có chen nhau thì từ từ ai cũng có phần hết", mệ Liền nói.
|
Theo chị Hồ Thị Hạnh Tiên, ý tưởng ATM gạo là từ nhóm anh chị em giảng viên, giáo viên của các trường ĐH Phú Xuân, CĐ Sư phạm Thừa Thiên - Huế, CĐ Công nghiệp Huế. Ý tưởng này được anh Ngô Viết Anh Văn, chủ Công ty TNHH 1TV Giải pháp Công nghệ 1A (A1 Smart) “tiếp sức” hỗ trợ và lắp đặt máy.
Ngay sau khi biết được nhóm tổ chức chương trình phát gạo cho người nghèo, rất nhiều người dân ở Huế tình nguyện mang gạo đến góp. Lượng gạo nhận được trong ngày đã tăng lên hơn 3 tấn.
Tối 10.4, nhóm lắp đặt máy xong và tiến hành chạy thử máy trước khi thông báo phát quà. Phương án phát quà cũng đã được lên kế hoạch chi tiết. Để đảm bảo khoảng cách an toàn, nhóm đã chuẩn bị vạch sẵn dấu để người đến nhận quà đứng đúng chỗ. Tuy nhiên, từ sáng sớm ngày 11.4, lượng người đến nhận quà quá đông mà lại không chịu tuân thủ quy định khoảng cách nên việc phát quà phải dừng lại.
|
Theo chị Hạnh Tiên, để việc phát quà được tiếp tục, nhóm thực hiện đang điều chỉnh lại phương án và dự kiến sẽ tiến hành lắp đặt thêm 3 điểm phát gạo ở các vị trí dự kiến: Nhà thi đấu thể thao tỉnh (đường Hà Huy Tập), Trường CĐCN (đường Nguyễn Huệ) và 1 nơi ở phía bắc sông Hương.
"Hy vọng sau ngày đầu gặp trở ngại do sự lúng túng của bộ phận tổ chức lẫn ý thức của người đến nhận quà, những ngày sau việc phát gạo qua cây ATM tại Huế sẽ đi vào trật tự để chương trình được suôn sẻ”, chị Hạnh Tiên chia sẻ.
Bình luận (0)