|
Ba chữ “trào ngược a xít” đã phần nào nói lên tình trạng rắc rối: a xít “đi hoang”, không ở yên trong chỗ được tạo hóa định sẵn cho nó. Ở yên chỗ nào? Ở cái chốn duy nhất trong cơ thể có khả năng mạnh mẽ nhất để chịu đựng, thậm chí “thích thú” cái ác liệt dữ dội của nó: dạ dày. Với lớp chất nhầy đặc biệt bảo vệ niêm mạc dạ dày, tế bào biểu mô lót niêm mạc và HCO3, trong điều kiện bình thường, loại a xít HCl cực mạnh này không thể chọc thủng để “xơi tái” luôn cái dạ dày, điều nó dư sức làm nếu không có những lớp bảo vệ cực kỳ hiệu quả này.
Bình thường, sau khi chúng ta nhai nuốt, thức ăn trôi tuột xuống thực quản - đường ống nối từ miệng tới bao tử. “Biên giới” giữa thực quản và bao tử do cơ thắt thực quản dưới đứng chốt. Đó là anh lính biên phòng cực kỳ thông minh và mẫn cán, liên tục mở cửa đón khách vào thực quản, khách vừa lọt qua thì lập tức sập cửa lại theo kiểu… nhốt tù, không cho “phần tử phá rối” nào từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Khổ nỗi đã là “phần tử phá rối” thì thường không chịu ở yên, toàn canh me leo ngược dòng mỗi khi anh lính buồn ngủ khép cửa không chặt, gây nóng rát và đau đớn khó chịu ở vùng ngực. Và nếu kéo dài, có thể gây viêm loét, thậm chí ung thư thực quản.
Kẻ phá bĩnh bà bầu
Ở không ít phụ nữ mang thai, chứng trào ngược a xít dạ dày bỗng dưng từ đâu xông tới dẫu chẳng ai mời, tới cùng lúc với nhiều biểu hiện vốn đã không dễ chịu tí nào của thai kỳ. Đó là vì khi mang thai, các thay đổi hormone làm cho các cơ thực quản, bao gồm cơ thắt thực quản dưới thường xuyên nới lỏng. Điều này có thể dẫn tới hậu quả a xít dễ dàng trào ngược lên thực quản mà “phá bĩnh” hơn. Thông thường, trong dịch nhầy thực quản có tính kiềm, sẽ trung hòa bớt sự gây hấn của a xít nếu nó ở hàm lượng rất ít. Nhưng như đã nói trên, khi cửa ngõ không chặt, nhiều a xít có thể trào ngược lên thực quản hơn, nhất là khi dạ dày quá đầy hoặc khi chúng ta nằm xuống, khiến cho thực quản từ vị thế đứng trên cơ dạ dày nay rớt xuống ngang hàng.
Ngoài ra, khi thai nhi phát triển lớn, dạ dày bị chèn ép, càng khiến cho nó dễ “xả van” mà trào ngược a xít lên thực quản. Chưa hết: cơ chế đẩy thức ăn từ thực quản vào dạ dày cũng như tiêu hóa thức ăn trong dạ dày chậm lại, giúp cơ thể có thêm thời gian hấp thu chất dinh dưỡng cho thai nhi. Cơ chế này cũng đồng nghĩa làm gia tăng cơ hội trào ngược.
Sống chung với lũ
Mỗi thai phụ sẽ khác nhau, tùy thuộc vào cơ địa, chế độ dinh dưỡng, thói quen… mà có người bị trào ngược, có người không. Tuy nhiên, có một điểm chung: việc sử dụng thuốc trong thai kỳ thường gặp nhiều hạn chế, vì vậy thay đổi lối sống luôn là giải pháp ưu tiên hàng đầu.
Hãy ăn ít lại trong mỗi bữa nhưng ăn nhiều lần. Ăn chậm, nhai kỹ và tránh ăn sát giờ ngủ. Những loại thức ăn sau có thể kích thích trào ngược nên tránh: sô cô la, thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn chua cay, nước uống có ga và các loại thực phẩm chứa caffeine. Nếu bạn bị trào ngược, hãy nhai kẹo cao su không đường sau bữa ăn để tăng tiết nước bọt, bởi trong nước bọt có kiềm, giúp trung hòa bớt a xít trào ngược lên thực quản.
Theo lời khuyên của các chuyên gia được đăng tải trên Healthline, dùng gối kê cao thân trên có thể cải thiện tình hình. Cuối cùng, tư thế nằm ngủ nghiêng bên trái có thể giúp ngăn ngừa bớt tình trạng trào ngược.
Xem thêm trên: thanhnien.vn/suckhoe/yeudaday
Yumangel - Thuốc dạ dày chữ Y hân hạnh hỗ trợ thực hiện chuyên mục này.
|
|
Bình luận (0)