Ba chàng trai lập nghĩa trang hài nhi

05/10/2018 12:07 GMT+7

30 nắm đất nhỏ là 30 sinh linh bị tước đi quyền hiện diện trên cõi đời này, được 3 chàng trai đưa về chôn cất, chăm sóc tại một rẻo đất ven QL9D ở TP.Đông Hà, (Quảng Trị) mấy năm nay.

Vì thương mà làm
Dọc tuyến QL9D được rải nhựa láng o dài tít tắp, có một tấm bảng nhỏ đề nội dung gãy gọn: “Khuôn viên chôn cất thai nhi (Làm từ thiện không thu phí). Liên hệ: A Tem”. Kèm bên dưới là 4 số điện thoại di động để liên hệ… Phía sau tấm bảng đó vài mét đất là nơi an nghỉ của những hài nhi xấu số, vốn dĩ phải giã từ cuộc sống khi chưa một lần nhìn thấy ánh mặt trời.
Ba chàng trai viếng hương tại 		nghĩa trang  ẢNH: THANH LỘC
Ba chàng trai viếng hương tại nghĩa trang ẢNH: THANH LỘC
Thật bất ngờ khi những người đứng ra chăm bẵm cho “nghĩa trang” này lại là 3 chàng trai trẻ: Võ Hữu Hạnh (39 tuổi, trú P.Đông Thành), Hoàng Văn Hạ (35 tuổi, trú P.2), Hoàng Chung (37 tuổi, trú P.1, TP.Đông Hà). Ngoài đời, họ là bạn bè, và chính công việc thiện nguyện này làm cho tình thân của họ thêm gắn bó. Vẻ ngoài phong trần, nhưng ở họ, niềm yêu thương đến từ ánh mắt, nụ cười, lời nói…
Anh Hạnh là người gợi mở ý tưởng lập một nghĩa trang tự phát cho những đứa trẻ vô thừa nhận. Tất cả chỉ được nhóm xắn tay làm từ năm 2017. “Nhưng ngần ấy thời gian mà chúng tôi đã đưa về đây đến 30 hài nhi, thì quả là không ít. Đáng buồn là như thế!”, anh Hạnh tặc lưỡi. Những người trong nhóm như anh Chung, anh Hạ theo đuổi công việc buồn bã này cũng bởi một chữ thương. “Có cả ngàn lý do để những đứa trẻ bị chối bỏ, nhưng phần nhiều là do cha mẹ chúng quá trẻ, lầm lỡ… Chúng tôi không thể sửa sai được cho họ, nhưng muốn làm vơi bớt nỗi bất hạnh và an ủi phần nào nỗi đau của các sinh linh đó bằng cách gom góp về đây, chăm lo hương khói”, anh Chung nói.
Nghĩ là làm, từ sự ủng hộ của gia đình và nhiều người dân làng Điếu Ngao, 3 chàng trai đã góp chút tiền của mình để mua vật liệu, thuê thợ thầy xây những phần mộ nhỏ. “Người ta chỉ cần mang “bé” đến đây, họ xuống và gọi điện thoại, tụi mình sẽ chôn cất. Hoặc họ gọi ở đâu, mình đích thân đến lấy, xong mang về chôn cất”, anh Hạnh kể. Bất kể ngày nắng ngày mưa, thậm chí đêm khuya, chỉ cần nghe ai gọi báo tin tương tự là các anh tìm đến đón nhận hài nhi đưa về.
Lâu dần, người ta bắt đầu quen với sự xuất hiện của 3 chàng trai ở “nghĩa trang đặc biệt” này. Lễ tết, ngày rằm hoặc cuối tháng, trên những nấm mồ bé nhỏ không bao giờ tắt khói hương…
Không mong... mở rộng nghĩa trang
Dù hết sức nhiệt thành, nhưng điều mà 3 chàng trai này mong muốn nhất chính là việc họ không phải nhận những cuộc điện thoại oan nghiệt đó, và nghĩa trang cũng không cần phải… mở rộng. “Việc chúng tôi làm là cực chẳng đã. Chúng tôi chỉ nguyện cầu các bậc làm cha mẹ hãy suy nghĩ thấu đáo trước khi tước đi quyền được sống của chính giọt máu mình”, anh Hạnh tha thiết.
Cả ba đều là “dân” kinh doanh tự do, ít khi nghe họ nói những điều chữ nghĩa cao xa. Thay vào đó, họ chỉ lặng lẽ làm việc nghĩa và chưa hề nhận một đồng nào từ người nhà của những đứa trẻ xấu số hoặc mạnh thường quân. “Ai quan tâm, chúng tôi cảm ơn nhưng họ chỉ cần thắp cho mấy đứa nhỏ cây hương là đủ”, anh Chung gãy gọn. Ngược lại, họ thường tự đặt cho mình những thủ tục rất kỹ lưỡng mỗi khi tiếp nhận hài nhi. Họ ghi chép tất cả thông tin liên quan có thể (nơi phát hiện, số điện thoại người đưa đến…), sau khi chôn cất thì đánh số thứ tự cẩn thận. “Chúng tôi làm kỹ để phòng trường hợp sau này người nhà đến nhận lại”, anh Hạnh lý giải.
Việc nghĩa đã ít nhiều thay đổi nhịp sống của những chàng trai thiện lành. Anh Hạ cho hay từ ngày cùng nhóm bạn chăm lo cho nghĩa trang đặc biệt, anh thấy đời sống của mình có cảm giác “trong lành” hơn. Anh bớt đàn đúm vô bổ mà đầu tư thời gian tiền bạc cho công việc nuôi gia đình, có thời gian rảnh thì lại lên nghĩa trang thắp hương cho “mấy đứa”.
Khi những tia nắng cuối ngày dần rời xa khuôn viên nghĩa trang hài nhi xấu số, chúng tôi có cảm giác những sinh linh tội nghiệp hẳn sẽ cô đơn gấp bội nếu không được cơ duyên về “đoàn tụ” ở nơi này. Và có lẽ, chính 3 chàng trai nhọc công chăm lo gầy dựng nên nghĩa trang buồn bã ấy là những người thấu hiểu nhất về nỗi cô đơn ấy…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.